Những con khỉ mặt đỏ này nằm trong Sách đỏ IUCN (là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới) và Sách đỏ Việt Nam với mức độ bảo tồn nguy cấp, được ghi nhận ở khu vực có độ cao trên 1.100 m so với mực nước biển, thuộc kiểu rừng kín thường xanh trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Ban quản lý khu bảo tồn này đặt máy bẫy ảnh nhằm điều tra hiện trạng một số loài thú, chim nguy cấp, quý hiếm để đề xuất kế hoạch bảo vệ, giám sát, bảo tồn hữu hiệu.
Nói gì thì nói, sự xuất hiện của đàn khỉ này cũng là một bằng chứng của việc vùng rừng này đang được quản lý tốt, ít ra là vẫn còn những loài thú quý hiếm, chưa bị xóa sổ.
Ở một chuyện khác, cũng trong sáng 25-10, Hạt Kiểm lâm Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết đang phối hợp công an khẩn trương điều tra vụ các đối tượng săn bắt bắn chết 5 con voọc chà vá chân xám vào ngày 8-10 tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ quản lý. Loài voọc này thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN, chỉ phân bố ở 5 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum. Vụ này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có công văn chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương điều tra, xử lý, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30-10.
Giữa tháng 8, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra và phát hiện Nguyễn Văn Hiền (ngụ xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) nuôi nhốt trái phép 14 con hổ Đông Dương trưởng thành. Cùng thời điểm, cùng tại xã Đô Thành, công an cũng phát hiện nhà của Nguyễn Thị Định nuôi nhốt trái phép 3 con hổ tương tự.
Là thành viên thứ 121 của Công ước về thương mại quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ năm 1994, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống pháp luật để bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đó không chỉ là các quy định về quản lý mà còn là hàng loạt quy định về xử lý vi phạm. Ngày 30-11 tới, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES.
Nói thế để thấy chúng ta không thiếu các quy định để bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm song tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán trái phép các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm vẫn đang diễn ra âm thầm nhưng khốc liệt. Cùng với thực trạng đó, nhiều nơi rừng hết, thú cũng biến mất.
Nếu không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn thì trong một tương lai gần, động vật rừng nói chung, chứ không riêng gì những loài nguy cấp, quý, hiếm..., sẽ chỉ còn tìm thấy ở những khu bảo tồn hoặc sở thú. Đến khi ấy, dù có rất nhiều quy định hoàn hảo thì những quy định ấy cũng sẽ không còn mấy tác dụng.
Bình luận (0)