Trong đơn gửi Báo Người Lao Động mới đây, bà N.M.H (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM) cầu cứu về việc đang gặp rắc rối vì mua đất qua vi bằng.
Bán đất cho nhiều người đều qua vi bằng
Bà H. kể năm 2017, bà mua một lô đất ở xã Vĩnh Lộc B từ ông N.V.T với giá 400 triệu đồng. Việc mua bán giữa bà H. và ông T. thông qua việc lập vi bằng.
Sau khi mua đất, bà H. dựng hàng rào thì bị ông V.V.Y ngăn cản và cho biết lô đất này là của mình. Lo lắng, bà H. tìm hiểu vụ việc thì được biết lô đất mà bà mua lại từ ông T. có nguồn gốc là đất của bà P.T.D. Bà D. sở hữu gần 2.000 m2 đất, sau đó chia nhỏ bán cho nhiều người. Bất ngờ hơn nữa là lô đất bà H. mua đã được bà D. bán cho ông V.V.Y từ năm 2016, sau đó ông V.V.Y đã bán cho nhiều người, trong đó có ông T. Tất cả việc mua bán đều thông qua hình thức lập vi bằng.
"Với mong muốn lập nghiệp tại thành phố, tôi vay mượn của người thân, bạn bè để mua lô đất, làm nhà nhưng giờ lại vướng vào tranh chấp với ông V.V.Y" - bà H. nói.
Tương tự, ông P.Đ.T (quận Bình Tân, TP HCM) nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 4 lô đất ở quận Bình Tân từ ông N.V.C (quận Bình Tân) với giá gần 20 tỉ đồng. Việc mua bán giữa 2 người thông qua hình thức lập vi bằng. Sau khi mua bán, ông P.Đ.T làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được biết 4 lô đất đã được ông N.V.C sang nhượng cho nhiều người khác cũng bằng hình thức lập vi bằng.
Thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp người dân sử dụng hình thức lập vi bằng trong chuyển nhượng đất đai. Điều này không những gây rắc rối cho các bên mà còn có nguy cơ mất tiền mua đất.
Minh họa: KHỀU
Tố cáo đến công an
Luật sư Lê Thị Huyền Trang (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc chuyển nhượng đất đai phải lập thành văn bản và được cơ quan có thẩm quyền chứng thực (UBND) hoặc công chứng (phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng) theo đúng trình tự; thủ tục quy định.
Tại khoản 2, điều 36 Nghị định 08 của Chính phủ quy định: "Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác", khoản 4, điều 37 các trường hợp không được lập vi bằng: "Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực...".
Đồng thời, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, thừa phát lại không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền hoặc lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Như vậy, vi bằng của thừa phát lại không phải văn bản công chứng, chứng thực; vi bằng không xác nhận các hợp đồng, giao dịch và không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực.
Do đó, trong trường hợp thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hành vi giao nhận tiền của các bên thì vi bằng này chỉ có giá trị chứng minh bên này đã giao và bên kia đã nhận một khoản tiền (để tạo lập chứng cứ cho hành vi giao nhận tiền giữa các bên), vi bằng này không xác nhận hay chứng nhận đối với các giao dịch khác.
"Vi bằng của thừa phát lại không chứng nhận các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất" - luật sư Lê Thị Huyền Trang nói.
Việc cùng một thửa đất, lô đất mà ông Y., ông C. bán cho nhiều người bằng hình thức lập vi bằng thì có dấu hiệu lừa đảo. Bà N.M.H, ông P.Đ.T cần gửi đơn tố cáo đến Công an huyện Bình Chánh, quận Bình Tân để bảo vệ quyền lợi của mình.
Lập vi bằng để xác lập chứng cứ
Cũng theo luật sư Lê Thị Huyền Trang, tại điều 36 và điều 37 của Nghị định 08 của Chính phủ, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định.
Đồng thời, theo khoản 3, điều 36 của Nghị định 08, vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Như vậy ý nghĩa, mục đích của việc lập vi bằng là để các bên hoặc một bên có yêu cầu lập vi bằng xác lập chứng cứ nhằm giúp cho tòa án, các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết các việc liên quan đến người dân được khách quan, chính xác, kịp thời, phù hợp pháp luật; giúp các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình về dân sự, kinh tế, thương mại, hành chính, lao động; giúp cho người dân giải quyết các tranh chấp phát sinh trong cuộc sống.
Bình luận (0)