xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rác thải mãi trêu ngươi

Bài và ảnh: Anh Vũ

Nếu cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân tập trung xử lý tình trạng xả rác bừa bãi thì cảnh quan đô thị, môi trường sống của người dân được bảo đảm

Hơn 3 tháng trước, ngày 8-6, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP Thủ Đức và quận, huyện kiểm tra, xử lý tình trạng xả rác bừa bãi như Báo Người Lao Động phản ánh (loạt bài "Xả rác nhiều quá" khởi đăng từ ngày 27-5 đến 4-6); đồng thời báo cáo kết quả cho UBND thành phố trước ngày 30-6.

Thế nhưng đến nay, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng xả rác tại TP HCM vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Đến bao giờ mới sạch, đẹp?

Tại hầm chui Linh Trung (TP Thủ Đức, TP HCM), địa bàn giáp ranh giữa TP HCM và tỉnh Bình Dương, ghi nhận ngày 12-9, hầm cầu, mặt đường, vỉa hè - nơi các xe đẩy tụ tập buôn bán, rác (vỏ trái cây, rau củ…) chất đống dưới chân cầu, vỉa hè.

Cũng tại TP Thủ Đức, nhiều tuyến đường mà Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh như đường số 2 và 14 (phường Linh Trung), Quốc lộ 1, Đào Trinh Nhất…, rác vẫn ngổn ngang, chất thành ụ lớn, bốc mùi hôi thối.

Một số con đường khác như Linh Trung, Linh Đông (TP Thủ Đức)…, bất chấp biển cấm đổ rác kèm nội dung về mức xử phạt, rác vẫn rất nhiều. "Đi đường Linh Đông mỗi ngày, không ngày nào không nhìn thấy rác vì rác chỉ nhiều chứ không bớt đi. Thỉnh thoảng nhân viên vệ sinh môi trường thu dọn, sạch sẽ chưa đến nửa ngày đã có rác xuất hiện" - anh Trần Duy Khánh (ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bức xúc.

Tại đường Trường Sa, Hoàng Sa chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nơi được tô điểm bởi cây xanh, ghế đá rất đẹp nhưng rác xuất hiện từ trên bờ xuống dưới kênh, nhiều nhà hàng, quán ăn sau một đêm kinh doanh, hôm sau đã để lại đống rác lớn trước cửa.

Không chỉ rác sinh hoạt, ghế salon, nệm, lốp xe… cũng được bỏ trên các nắp cống thoát nước. Thậm chí nhiều nắp cống trên đường Trường Sa dù được UBND phường 2, quận Phú Nhuận cho tô vẽ những bức họa chứa thông điệp về bảo vệ môi trường rất đẹp mắt, vẫn bị chất đống rác lên trên. Một số tuyến đường lớn như Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, chân cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh) rác đầy rẫy, từ rác thải sinh hoạt đến vật liệu xây dựng được bỏ trên vỉa hè, gốc cây… và cả ở nhà chờ xe buýt, tủ điện…

Rác thải mãi trêu ngươi - Ảnh 1.

Nhà chờ xe buýt trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM) thành nơi chứa rác

Cần xử lý cứng rắn, không nương tay

Nói về vấn đề rác thải tràn lan, ông Lương Văn Hùng (52 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho rằng chúng ta không thiếu quy định để xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng nhưng việc thực hiện xử phạt lại chưa được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm nhiều.

"Thực tế có mấy ai bị phạt tiền với mức phạt cao? Có thể vì thiếu nhân lực, phương tiện để xử lý; cũng có thể có nhiều việc lớn hơn để chính quyền quan tâm giải quyết… Nhưng tôi nghĩ chính những việc tưởng chừng nhỏ như thế này mà tập trung xử lý tốt sẽ giúp hình ảnh TP HCM thêm đẹp, uy tín của thành phố càng thêm được nâng cao. Chỉ khi chính quyền tập trung, quyết tâm vào cuộc, làm thường xuyên, liên tục, không nương tay với hành vi xả rác bừa bãi; chỉ khi người dân xem việc giữ gìn đường phố sạch đẹp là trách nhiệm của chính mình, lúc đó mới mong thành phố sạch, đẹp" - ông Hùng nói.

Với chị Trương Mỹ Lan (ngụ quận Bình Thạnh), tình trạng rác thải có mặt khắp nơi, từ khu vực nội thành đến ngoại thành, từ trên bờ đến mặt nước khiến người dân rất bức xúc, du khách ngán ngại. "Đừng kêu gọi nữa vì chúng ta đã làm quá nhiều, quá lâu rồi. Một khi ý thức của một bộ phận người dân còn quá kém, cứ thẳng tay đánh vào túi tiền và kèm xử phạt bằng hình thức lao động công ích… Quan trọng là cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương từ phường, xã, quận, huyện đến thành phố phải làm đồng bộ, quyết liệt. Thử một lần làm thật mạnh mẽ, cứng rắn, trật tự xã hội, vệ sinh môi trường sẽ đi vào nền nếp" - chị Mỹ Lan đề xuất.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP HCM, nói thẳng hành vi xả rác tràn lan của người dân cũng có lỗi không nhỏ của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi vì luật đã có nhưng cơ quan có trách nhiệm không xử phạt nghiêm hành vi vi phạm, nếu không nói là làm cho có phong trào, ra quân xử phạt rồi đâu lại vào đó. Bên cạnh đó, phương thức thu gom, vận chuyển rác chưa hoàn thiện; thiếu thùng rác công cộng; việc quản lý, điều hành còn thiếu khoa học…

"Phải xem việc trị bệnh xả rác là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục, có sự kiểm tra, giám sát và xử lý đối với người đứng đầu sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương để xảy ra nạn xả rác một thời gian dài trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Song song đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; xử lý nghiêm bất kỳ trường hợp nào vi phạm để răn đe" - luật sư Trần Minh Hùng góp ý.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, khi ý thức người dân chưa cao thì cách thức quản lý của nhà nước sẽ đóng vai trò quyết định.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo