Dẫu vậy, vẫn không xua tan nỗi lo của người tiêu dùng về việc còn bao nhiêu nhà cung cấp đã và đang tự dán nhãn sản phẩm "sạch" để đẩy hàng vào siêu thị mà chưa bị phát hiện?
Việc vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, sẵn sàng "gắn mác" các loại rau xanh "hàng chợ" thành loại có thương hiệu nổi tiếng với giá cao gấp nhiều lần để lừa dối, bán cho người tiêu dùng là việc làm khó chấp nhận. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền: "Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết". Ngoài ra, Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung hiện hành cũng có những điều khoản quy định về hành vi gian dối (tội "Gian dối đối với khách hàng, người tiêu dùng") với hình phạt tù và mức phạt tiền rất nghiêm khắc.
Vấn đề còn lại thực thi pháp luật. Trước hết, các cơ quan có trách nhiệm quản lý cần thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát, làm rõ và xử lý mạnh tay hơn nhằm răn đe, làm gương đối với các hành vi kinh doanh, làm ăn bất lương, bất chấp sức khỏe, niềm tin của hàng triệu người tiêu dùng. Đặc biệt, nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng sao cho mức phạt tiền cao hơn gấp nhiều lần so với lợi nhuận bất chính mà họ hưởng lợi, thu được hoặc "móc túi" từ niềm tin của người tiêu dùng.
Bình luận (0)