Nhiều người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường có thói quen rẽ phải khi đèn đỏ. Đa số hiểu rằng đèn đỏ chỉ cấm phương tiện đi thẳng, không cầm rẽ phải. Hiểu lầm này có thể khiến người điều khiển phương tiện bị xử phạt vì vi phạm luật giao thông đường bộ.
Căn cứ Điểm a, Khoản 5, Điều 5 và Điểm c, Khoản 4, Điều 6, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe rẽ phải khi không có hiệu lệnh có thể bị phạt từ 1,2 – 2 triệu đồng đối với ô tô; từ 300.000 – 400.000 đồng đối với xe máy.
Theo quy định, khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ thì mọi phương tiện đều phải dừng lại (trừ các trường hợp ưu tiên). Người điều khiển phương tiện chỉ được phép rẽ phải khi có các dấu hiệu sau: hiệu lệnh từ người điều khiển giao thông; hiệu lệnh của đèn tín hiệu; hiệu lệnh của biển báo hiệu; hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; có đèn tín hiệu phụ hình mũi tên.
Trong đó, khi cột đèn giao thông có hình phụ là mũi tên đèn xanh (đỏ) hoặc hình chiếc xe máy thì người lái xe được phép rẽ phải theo hướng mũi tên; khi mũi tên chuyển sang màu đỏ thì người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng lại.
Xe máy được phép rẽ phải khi đèn đỏ nếu thấy biển báo giao thông cho phép rẽ phải. Lúc này, phương tiện phải bật đèn tín hiệu xin đường (xi-nhan) và nhường đường cho người đi bộ.
Trường hợp có vạch kẻ đường chỉ hướng rẽ phải thì khi có đèn đỏ, người lái xe được phép rẽ phải theo chỉ dẫn của vạch kẻ đường và phải xin đường khi rẽ.
Bình luận (0)