"Tôi chạy xe chở khách lâu năm mà có khi đến những nút giao thông còn không biết nhìn theo biển báo nào vì quá nhiều, có cái còn như "bẫy" người đi đường, lơ mơ "dính" phạt như chơi. Ở tỉnh khác chạy ôtô vô TP ban đêm thì đúng là không biết đâu mà lần" - anh N.L.T (tài xế) than thở.
Lộn xộn, thừa thãi
Quả như anh N.L.T nói, ghi nhận thực tế ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP HCM, không khó để bắt gặp những biển báo giao thông không hỗ trợ được người đi đường mà còn khiến họ mất phương hướng. Nhiều biển báo khó đọc, khó nhìn, nội dung thiếu trực quan gây ức chế cho người tham gia giao thông. Không ít biển báo cắm sai vị trí, chồng chéo nhau gây mất mỹ quan. Với chức năng chỉ dẫn, cung cấp thông tin để giao thông dễ dàng và an toàn, những biển báo kiểu này vô tình trở thành tác nhân gây lộn xộn, ùn tắc.
Điển hình trên xa lộ Hà Nội (hướng về cầu Sài Gòn), vừa qua khỏi cầu vượt bộ hành, trên đoạn đường chưa đến 100 m có tới 20 biển báo, bản chỉ dẫn giao thông khác nhau, cắm chằng chịt, trùng lặp thông tin, cái này chồng chéo cái kia, vừa mất mỹ quan vừa khó nhìn, khó hiểu. Đoạn gần giao lộ xa lộ Hà Nội - đường D1 (Khu Công nghệ cao), từ ngã tư Thủ Đức hướng về cầu Sài Gòn, nhiều biển báo giao thông, biển chỉ dẫn quan trọng bị che lấp bởi tán cây. Một số biển báo quang điện hiện đại cũng chỉ… nhấp nháy mà không đọc được thông tin. Đó là lý do mà nhiều người đi theo thói quen hoặc dòng phương tiện lưu thông, không mấy quan tâm đến biển báo.
Trên đường Võ Văn Kiệt (dẫn xuống hầm Thủ Thiêm), riêng một ngã ba đã có tới hơn chục biển báo giao thông các loại. Cũng trên đại lộ này, hướng xuống hầm Thủ Thiêm, nơi các phương tiện được phép di chuyển với tốc độ khá nhanh nhưng lại hiện hữu những biển báo, biển chỉ dẫn chi chít chữ mà để đọc và hiểu được những tấm biển này, thời gian dừng đèn đỏ cũng không kịp.
Tương tự ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng, nút giao thông Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn (quận 1)…, hàng chục biển báo dày đặc chữ như một phép thử mắt cho cánh tài xế. Nhiều biển báo quan trọng bị tán cây, chùm dây điện rối tung che khuất hoặc bị hàng quán ven đường "nuốt gọn".
Trên xa lộ Hà Nội, đoạn đường chưa đến 100 m có tới 20 biển báo, bản chỉ dẫn giao thông khác nhau Ảnh: Ý Linh
Rà soát, điều chỉnh
Theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, "biển báo phải đặt ở vị trí người tham gia giao thông dễ nhìn và có đủ thời gian để đề phòng đổi hướng. Khi đặt biển báo phải bảo đảm cự ly biển đặt với tầm nhìn của các phương tiện từ 50-150 m’’.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết sở đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại hệ thống biển báo giao thông trên địa bàn theo quy chuẩn mới về hệ thống báo hiệu như lộ trình, bao gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo, vạch kẻ đường, cọc tiêu, tường bảo vệ, cột km, mốc lộ giới, gương cầu lồi, dải phân cách có lan can phòng hộ… Trong đó, hiện có hơn 2.000 biển báo các loại đã được lắp đặt thay thế, chủ yếu là biển phân làn, cấm rẽ trái, rẽ phải và cấm quay đầu.
Còn theo ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (thuộc Sở GTVT), từ ngày 1-8, quy định mới điều chỉnh khung giờ cấm đối với xe tải, đơn vị trước đó cũng đã và đang rà soát, bố trí lại hệ thống biển báo trên địa bàn quản lý. Cụ thể, sửa đổi biển báo theo khung giờ mới, đồng thời ở những vị trí cần thiết, nhất là trên một số trục đường chính như tuyến xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1… sẽ điều chỉnh hoặc bổ sung thêm. Riêng những vị trí biển báo bị cây xanh, hệ thống điện, cáp viễn thông… làm khuất tầm nhìn, sẽ rà soát lại, phối hợp với các đơn vị liên quan điều chỉnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT), cho biết hệ thống biển báo hiện đã được lắp đặt đầy đủ theo quy chuẩn của Bộ GTVT, đồng thời tăng cường các biểu tượng, hình ảnh nhằm tạo sự sinh động, rõ ràng và đầy đủ.
Phản ánh qua tổng đài 1022
Ngoài việc thường xuyên rà soát và điều chỉnh, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP HCM, cho biết đơn vị cũng luôn tiếp nhận các thông tin phản ánh về hệ thống biển báo hiện nay. Nếu có những bất cập, chưa hợp lý, người dân có thể phản ánh thông tin qua tổng đài 1022 hoặc trực tiếp đến Sở GTVT.
Bình luận (0)