Hơn 140 người dân bản xứ là thành viên Ban Quý tế đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh tại ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù Lao Phố), TP Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai đã có đơn gửi các bên liên quan "kêu cứu" về việc ngôi đền là Di tích lịch sử cấp quốc gia này có thể bị tháo dỡ dù vẫn còn vững chãi.
Quyết làm cho xứng tầm
Ðền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh tọa lạc bên chân cầu Ghềnh, gần sông Ðồng Nai. Ðền được người dân thôn Bình Hoành (tên gọi xưa của thôn) xây vào cuối thế kỷ XVIII, để ghi nhớ công ơn khai thôn, lập ấp, khai sáng xứ Ðồng Nai và phương Nam nói chung của Nguyễn Hữu Cảnh.
Mới đây, Ban Quý tế đền Nguyễn Hữu Cảnh gửi đơn "kêu cứu" về việc đền có nguy cơ bị phá bỏ để xây lại theo "Dự án mở rộng, trùng tu tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh" do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Nai làm chủ đầu tư. Ban Quý tế cho rằng báo cáo về khảo sát, thực hiện dự án là thiếu trung thực. Trong đó, các nội dung đánh giá đền đang ở trong tình trạng bị nghiêng lún, hệ thống tường bao che bị nứt, cấu kiện kiến trúc gỗ bị xô lệch do nền đất bị xói mòn, sạt lở, nguy cơ bị đổ khá cao, là không chính xác.
Theo Ban Quý tế, đền hiện hoàn toàn vững chãi, cấu kiện, các hạng mục chắc chắn, vật liệu xây dựng đền đều thuộc loại tốt và cổ xưa, tất cả còn nguyên vẹn. Ngoài ra, trong báo cáo thuyết minh của các đơn vị liên quan còn cho rằng "do cốt nền công trình thấp, hằng năm thủy điện Trị An xả lũ gây ngập úng, ảnh hưởng xấu đến các cấu kiện kiến trúc gốc; khuôn viên chật hẹp, nền thấp, cảnh quan môi trường chưa đủ tầm để tôn vinh danh nhân", điều này đã bị Ban Quý tế, với chữ ký của hầu hết người dân trong ấp, phản bác.
Theo hồ sơ, dự án hiện do Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ðồng Nai làm chủ đầu tư, với số vốn bước đầu được đưa ra là hơn 114 tỉ đồng. Trong đó, có 3 phương án. Phương án thứ nhất là di dời đền (tháo dỡ, xây mới) sang phần đất giải tỏa, mở rộng bên cạnh; 2 phương án khác là giữ nguyên đền, chỉ sửa sang và mở rộng các hạng mục của khu di tích.
Sau khi có đơn phản ánh của Ban Quý tế đền Nguyễn Hữu Cảnh, Cục Quản lý di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi các cơ quan liên quan của tỉnh Ðồng Nai yêu cầu xem xét đánh giá tình hình, hiện trạng tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.
Ðiều oái oăm là, theo tìm hiểu của phóng viên, việc trùng tu đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh không phải do di tích này bị xuống cấp, mà do khi một lãnh đạo tỉnh vào đầu nhiệm kỳ cách đây 7-8 năm đã nảy sinh ý tưởng mở rộng khu đền cho "xứng tầm" và khi mở rộng thì phải di dời đền cho đúng... trục hoàng đạo!
Ðền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh còn vững chãi nhưng các cơ quan liên quan vẫn muốn trùng tu
Nơi cần thì cứ... chờ!
Trong khi các bộ phận liên quan nhăm nhe dùng kinh phí để… di dời ngôi đền còn vững chãi trên thì rất nhiều di tích xuống cấp khác có thể bị sụp đổ, biến mất hoàn toàn nhưng chưa được trùng tu hay sửa chữa.
Hiện tỉnh Ðồng Nai có 1 Di tích cấp quốc gia đặc biệt, 26 Di tích cấp quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh, trong đó, nhiều di tích đang trong cảnh mục ruỗng với thời gian. Chẳng hạn, di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật nhà Tây núi Thị ở thị xã Long Khánh đang xuống cấp trầm trọng; di tích Ðình Tân Lân cũng đang trong tình trạng xuống cấp.
Ðặc biệt, ngoài rất nhiều di tích đang mục ruỗng chưa thể trùng tu thì một số công trình lớn và có tính cấp bách có chủ trương thực hiện lâu nay nhưng vẫn "giậm chân tại chỗ". Chẳng hạn việc sửa chữa, tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Ðức có kế hoạch từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, do vấn đề ngân sách đền bù giải tỏa. Kế hoạch sửa sang khu lăng mộ Ðoàn Văn Cự cũng bị ách lại cả chục năm nay. Kế hoạch trùng tu tôn tạo đền thờ Nguyễn Tri Phương nhiều năm nay chưa được triển khai.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Trí Dũng, Giám đốc BQL Di tích tỉnh Ðồng Nai, cho biết các kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích trong tỉnh hiện do BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ðồng Nai thực hiện, BQL di tích chỉ quản lý về vấn đề chuyên môn - văn hóa, lịch sử. "Tất nhiên, chúng tôi rất nóng lòng trước việc hàng loạt di tích quan trọng và quý giá hiện đang xuống cấp trầm trọng..." - ông Dũng cho biết.
Trong khi đó, trả lời phóng viên về thực trạng trên, ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ðồng Nai, nói rằng việc trùng tu, tôn tạo được thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn là do eo hẹp về ngân sách.
Riêng việc trùng tu đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, những khúc mắc, rắc rối thời gian qua là do những thông tin về các phương án dự thảo được đưa ra từ đơn vị tư vấn. Các nội dung này chỉ mới là sơ thảo nhưng đã làm người dân phải băn khoăn, lo ngại. "Ðối với đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, hiện tại đã chốt phương án là không tháo dỡ nguyên bản, không di dời đền, chỉ trùng tu, sửa sang và mở rộng không gian xung quanh. Còn với các di tích khác, có cái đã được trùng tu, có cái vẫn đang phải từng ngày chờ đợi. Cũng là tình trạng chung, tất cả từ vấn đề ngân sách…" - ông Bằng nói.
Thừa nhận công trình không xuống cấp
Theo BQL Di tích tỉnh Ðồng Nai, việc trùng tu, sửa sang đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đơn vị này cũng thừa nhận việc trùng tu không phải do công trình xuống cấp, mà chỉ để mở rộng hạ tầng, tạo không gian của một điểm đến cho một di tích "hàng đầu" của tỉnh.
Bình luận (0)