Thuận lợi cho ai ?
Theo bạn đọc Hai Lúa: “CMND đơn giản là cái thẻ để chứng minh ông A hay bà B là công dân hợp pháp của một đất nước, chứ nó đâu phải là cái hồ sơ lý lịch tổng hợp đâu mà phải ghi các thứ lên đó”.
Nhiều bạn đọc chỉ rõ, nếu cơ sỡ dữ liệu của ngành công an tốt, mà việc này đã thực hiện bao nhiêu năm qua rồi, thì việc tìm thông tin của một công dân sẽ rất đơn giản mà không nhất thiết phải đưa quá nhiều thông tin về nhân thân của một người lên CMND. Ngay cả CMND hiện đang sử dụng cũng đã đầy đủ thông tin về nhân thân của một công dân. Nếu đổi CMND mới thì ngành công an sẽ thuận lợi hơn nhưng sẽ rất bất tiện cho người dân.
Bạn đọc Nguyễn Gia Huy cho rằng, đại diện Bộ Công an cho rằng “Con cái nên tự hào việc đưa tên cha mẹ vào CMND” là chỉ mới thấy mặt thuận lợi. Còn mặt trái của vấn đề này phức tạp hơn nhiều. Ví dụ: mồ côi cha mẹ thì cứ mỗi lần nhìn thấy CMND của mình thì một lần phải nhắc lại nỗi đau này. Hoặc cha mẹ là tử tù, hoặc sinh ra từ ống nghiệm... thì điều này sẽ luôn đè nặng lên tâm trí họ. Bạn đọc này cho rằng CMND mới thuận lợi nhất cho những ai là “con ông, cháu cha”, có thể lòe thiên hạ, tận dụng tên tuổi của cha mẹ để “ứng phó” với xã hội, thực hiện những giao dịch trong cuộc sống.
Sao không biết học hỏi
Hàng loạt nước tiên tiến đã thực hiện thẻ căn cước cho người dân rất thuận lợi, gọn nhẹ và rất hợp lý. Dù muốn hay không thì chúng ta phải học hỏi họ để có thể quản lý xã hội thuận lợi.
Bạn đọc An Ngọc, phân tích: “Không cần thiết ghi công khai trên Giấy CMND mà lưu trong hệ thống điện toán, và chuyển tên họ cha mẹ thành mã vạch để khi cần có thể tra cứu ngay. Nên kết hợp số CMND với mã số cá nhân áp dụng cho mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực, thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Ngành quản lý hành chính, hộ tịch nên tham khảo, học tập những cải cách tiến bộ của các nước trên thế giới về việc quản lý mã số cá nhân vì nếu tự nghiên cứu trong trường hợp này sẽ mất nhiều thời gian công sức”.
Một bạn đọc dẫn chứng cách làm của các nước tiên tiến: “Khi tôi qua Bỉ học, họ cấp cho tôi cái ID điện tử rất nhỏ gọn, đơn giản chỉ có hình, tên, quốc tịch, nơi sinh. Trên góc có hàng chữ nhỏ số passport. Mã vạch của thẻ này là dãy số bắt đầu bằng ngày tháng năm sinh tiếp đó là các con số theo quy định quản lý, con số này sẽ theo bạn mãi nếu bạn còn ra vào EU. Khi bạn tới các nước EU khác, người ta chỉ cần quẹt mã vạch là hồ sơ chi tiết của bạn hiện lên đầy đủ, chẳng ai thèm kiểm tra các giấy tờ khác làm gì. Chúng ta hãy làm theo cách này, nếu sau này cả khối ASEAN tự do đi lại thì có thể hòa nhập vào việc quản lý dữ liệu chung”.
Vi phạm nguyên lý sơ đẳng Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỷ, một cán bộ là cán bộ nghiên cứu lâu năm trong ngành công an về nhận dạng vân tay và ứng dụng để điện tử hóa các hệ thống căn cước cho rằng ông đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị ngừng ngay việc cấp CMND mới vì nó vi phạm các nguyên lý sơ đẳng của hệ căn cước. Ông Kỷ nói:
Thứ nhất: Việc đưa tên cha mẹ in vào mặt sau CMND kể cả vì lý do chuyên môn nghiệp vụ cũng không cần thiết. Mặc dù trước đây có cơ sở thực tế là tên bố mẹ giúp tra cứu xác minh nhanh trên tàng tư thủ công nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế với tàng thư thủ công. Khi đã được điện tử hóa, kết nối thông tin với nhiều phân hệ khác, chúng ta sẽ có hàng trăm thông tin về công dân chứ không riêng gì tên cha mẹ.
Thứ hai: Việc cấp số mới 12 chữ số để thay thế số cũ 9 chữ số cũ là không ổn. Số CMND cũ 9 chữ số đã bám rễ sâu trong tất cả các ngành, trong hộ tịch, hộ khẩu, sổ đỏ, mã số thuế, thẻ ngân hàng, bằng lái xe, hộ chiếu... Nay nếu thay đổi số mới là phá hoại mọi thành quả 36 năm qua và phải mất 36 năm nữa để theo kịp ngày hôm nay. Thứ ba: Để khắc phục tồn tại của hệ CMND 9 chữ số, tôi đã đề xuất chỉ cần bỏ quy định trước đây là khi công dân chuyển hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác phải làm lại CMND mới tại tỉnh mới với số mới. CMND do một tỉnh cấp có giá trị trên cả nước và khi cấp đổi lại phải cấp đúng số cũ đã cấp. Chỉ cần sửa lỗi này, hệ CMND mới vẫn dùng 9 chữ số như cũ, không phải chuyển sang 12 chữ số, vì với 2 ký tự đầu làm mã serie cấp tỉnh ta có thể đánh số thoải mái, đủ cho dân số cả trái đất. Thứ tư: Việc chuyển đổi từ hệ CMND cũ sang mới phải đảm báo nguyên tắc kế thừa, không gây đảo lộn xã hội. Với đề xuất của tôi, CMND mới vẫn mang số cũ, không cần ghi tên cha mẹ, phần đọc máy như mã vạch hay chip cũng rất linh hoạt. Theo hướng này, cần ưu tiên xây dựng hệ Dân cư lấy số CMND 9 chữ số làm số định danh các nhân (ID), có thể cấp trước cho trẻ em tại thời điểm đăng ký hộ khẩu để sau này lấy chính số đó làm số CMND. Hệ dân cư điện tử không nên xây mới từ đầu như một số tỉnh hiện nay đang làm mà phải dựa trên 3 hệ hiện hành đó là hệ CMND, hệ hộ khẩu và hệ hộ tịch. Tất cả các ngành đều có quyền khai thác hệ Dân cư để tích hợp với CSDL của Ngành mình thông qua số CMND 9 chữ số được đảm bảo tính duy nhất và xác thực tự động bằng vân tay. |
Bình luận (0)