Sáng 28-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Nguyễn Thị Kim Hằng (phường Thắng Lợi, TP Pleiku, Gia Lai) cho biết vẫn đang tìm cách để đòi lại số tiền gần 20 triệu chuyển nhầm sang tài khoản khác.
Theo chị Hằng, ngày 30-1, chị chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản 0071000946*** (tài khoản thuộc Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh TP HCM) để đặt mua hàng. Sau đó, chị tiếp tục chuyển tiền lần thứ 2 cho công ty trên số tiền 19.680.000 đồng nhưng do chuyển bằng điện thoại, vội vàng nên chị chuyển nhầm số tiền trên sang tài khoản cùng ngân hàng, chủ tài khoản có tên PHAN VU LINH.
Phát hiện bị nhầm, ngay lập tức, chị Hằng đến chi nhánh Vietcombank Gia Lai để trình báo và được hướng dẫn làm đơn tra soát. Phía ngân hàng hẹn chị Hằng trong vòng 30 ngày sẽ liên hệ lại với chị để thông báo lại kết quả, liên hệ với chủ tài khoản được chị Hằng gửi nhầm để yêu cầu trả lại số tiền.
Sao kê chứng minh chị Nguyễn Thị Kim Hằng đã chuyển nhầm sang tài khoản của PHAN VU LINH
Tuy nhiên, sau 30 ngày, chị Hằng lên hỏi thì ngân hàng cho biết không liên hệ được với chủ tài khoản bị gửi nhầm. Sau nhiều lần lên xuống ngân hàng nhưng vẫn không được gì, chị Hằng rất lo lắng không đòi lại số tiền đã chuyển nhầm.
Phóng viên đã liên hệ với Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Gia Lai để tìm hiểu vụ việc thì đơn vị này cho biết việc trả lời vấn đề này thuộc về tổng đài của ngân hàng và đề nghị gọi vào số máy 1900545413 để được giải quyết.
Liên hệ với số điện thoại trên, phóng viên nhận được câu trả lời là khi xảy ra vụ việc chuyển nhầm, trước hết khách hàng phải đến quầy giao dịch của ngân hàng báo cáo để được hướng dẫn giải quyết theo quy định. Trong trường hợp này là do khách hàng tự giao dịch nên phải chịu trách nhiệm với lệnh giao dịch của mình, không phải lỗi của ngân hàng.
Phía Vietcombank chỉ hỗ trợ liên hệ với khách hàng nhận nhầm chứ không thể tác động lên tài khoản khi chưa được chủ tài khoản cho phép. Ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản trong một thời điểm nhất định khi khách hàng có yêu cầu vì có sự nhầm lẫn để giải quyết. Trong trường hợp ngân hàng không liên hệ được với chủ tài khoản nhận nhầm thì khách hàng có thể làm đơn yêu cầu cơ quan công an vào cuộc hoặc khởi kiện ra tòa.
Đã liên hệ nhiều nơi nhưng chị Hằng vẫn chưa đòi lại số tiền đã chuyển nhầm
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích trong trường hợp này, ngân hàng chỉ là bên liên quan. Để đòi lại tiền, người chuyển nhầm cần có văn bản thông báo cho người được chuyển nhầm về sự việc và yêu cầu chuyển lại tiền, nếu quá thời hạn mà không thực hiện sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý.
Ngoài ra có thể gửi thêm đơn kiến nghị tới công an nơi người này đăng ký hộ khẩu và Công an huyện, VKSND huyện đề nghị can thiệp. Nếu người được nhận chuyển nhầm mà không trả lại thì có thể yêu cầu xử lý hình sự.
Chiếm giữ tài sản trái phép có thể bị phạt tới 2 năm tù
Điều 141, bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng…sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Bình luận (0)