Sau bài viết "Sao đỏ" trường học, cần không? (Báo Người Lao Động ngày 2-12), đã có nhiều chuyên gia giáo dục, xã hội và bạn đọc bàn luận về việc có nên giữ lại hình thức "Sao đỏ" trong trường học hiện nay?
Cánh tay nối dài của giáo viên
Thầy Trần Minh, trợ lý thanh niên Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận 6, TP HCM), cho biết xét về bản chất, đội "Sao đỏ" ở mỗi trường học đều rất tốt, đó là cánh tay nối dài của thầy, cô giáo để tăng cường giám sát, quản lý học sinh (HS). Tuy nhiên, nếu cách làm không đúng sẽ nảy sinh những biến tướng khó lường, khiến đội "Sao đỏ" trở thành nỗi ám ảnh như dư luận lên tiếng.
Theo thầy Minh, trước đây khi còn ở trường cũ, trường có duy trì đội "Sao đỏ" nhưng sau đó thì bỏ luôn. Trong khoảng thời gian có đội này, các thành viên của đội sẽ thực hiện các nhiệm vụ như hỗ trợ các giáo viên (GV) quản nhiệm trong việc theo dõi, giám sát kỷ luật HS, như: giám sát việc đi trễ, không trực nhật, không mặc đồng phục… Đội "Sao đỏ" thành lập theo nguyên tắc mỗi lớp chọn ra 2 HS và lớp này sẽ kiểm tra chéo lớp khác, vào cuối tuần sẽ báo cáo với GV chủ nhiệm và trợ lý thanh niên để chấm điểm thi đua hoặc khen thưởng đầu tuần.
Điểm từ việc theo dõi của đội "Sao đỏ" sẽ chiếm 50% cộng với điểm từ sổ đầu bài của mỗi lớp là căn cứ thi đua. Ở một góc độ nào đó, đội "Sao đỏ" hoạt động rất hiệu quả vì GV nhiều khi không thể quán xuyến hết công việc. Nhờ có đội "Sao đỏ" mà HS bớt vi phạm. Có điều, trong quá trình thực hiện cũng nảy sinh những bất cập như phát hiện thành viên đội "Sao đỏ" dung túng, không trung thực, bao che cho bạn thân hoặc có em lợi dụng đội "Sao đỏ" để làm việc riêng… Vì vậy, về sau trường bỏ luôn và nhiều trường khác cũng không duy trì đội này nữa.
Học sinh cần được tạo năng lượng tích cực, hưng phấn để đến trường. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Tấn Thạnh
Chỉ ghi nhận sự tiến bộ, thành tích
Thừa nhận những rắc rối và không mang nhiều tính giáo dục khi duy trì đội "Sao đỏ", nhiều trường học tại TP HCM không tổ chức đội "Sao đỏ" mà thay bằng hình thức khác. Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TP HCM), cho biết trước đây, khi còn làm hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), ông cũng không chủ trương thành lập và duy trì đội "Sao đỏ". Theo thầy Phát, nếu không tổ chức khéo, đội "Sao đỏ" dễ trở thành nỗi ám ảnh trong trường học, nảy sinh những phản ứng tiêu cực, HS này giám sát, thể hiện quyền uy với HS kia dễ khiến các em mất đoàn kết.
"Hiện nay, việc theo dõi, giám sát các hoạt động của HS tại trường được giao cho GV tư vấn trong trường đảm nhiệm. Mỗi một tuần, một lớp sẽ chịu trách nhiệm phân công thành viên nào của lớp đi theo dõi các công việc như các lớp có tắt đèn đúng quy định không, trực nhật có tốt không, đồng thời trực chào cờ mỗi sáng thứ hai... dưới sự giám sát của GV tư vấn. Các em sẽ vì màu cờ, sắc áo của lớp mình mà làm có trách nhiệm, hợp lý chứ không phải chăm chăm nhìn vào lỗi lầm của bạn khác để ghi sổ"- thầy Phát cho biết.
Đồng ý duy trì đội "Sao đỏ" trong trường học nhưng phải thay đổi tên gọi, thay đổi mục tiêu hoạt động, cách tiếp cận, bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft, cho biết có một nguyên lý trong giáo dục đó là người học phải được tham gia vào quá trình tự giáo dục bản thân, trong đó có các vấn đề như: tự nhận thức, tự kiểm soát, đồng cảm và hỗ trợ. Nếu đội "Sao đỏ" làm thay tất cả những nguyên lý này thì vô tình trở thành những "ông kẹ" trong trường học. Vì vậy, cần đổi tên và đổi cách tiếp cận của đội này. Ở nhiều trường phổ thông trên thế giới và ngay cả Việt Nam, các trường có đội gọi là "Đại sứ HS", các em được mặc đồ riêng, mỗi khi có đoàn khách đến thăm trường thì chịu trách nhiệm đón tiếp, hướng dẫn... Thành viên của đội sẽ được tuyển chọn từ những HS được tín nhiệm, có uy tín, có sức ảnh hưởng và mỗi năm bầu lại một lần.
"Điều quan trọng nhất là thay vì đi ghi nhận vi phạm, các em sẽ đi ghi nhận những thành tích, sự tiến bộ của các bạn. Chỉ có như thế mới tạo được năng lượng tích cực cho những HS khác, tạo động lực, hưng phấn để các em đến trường" - bà Quyên nói.
Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, đến trường mà bị săm soi lỗi thì HS sẽ không còn muốn hợp tác, cống hiến, thậm chí không muốn đến trường. Đừng để việc đến trường trở thành ác mộng bằng những điều tiêu cực!
Thăm dò ý kiến
Nên giữ hay bỏ Sao đỏ (Cờ đỏ) trong trường học?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)