Chiều 14-3, các tổ chức xã hội phòng chống bạo lực giới đã tổ chức buổi tọa đàm: “Nạn xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE): Im lặng hay lên tiếng?”.
Xử lý nửa chừng
Chia sẻ hành trình đi tìm công lý cho con gái bị một người đàn ông hàng xóm lớn tuổi dâm ô, một người cha ngoài 30 tuổi ở Hà Nội nghẹn ngào. Người cha này cho biết 2 năm trước, khi con gái 3 tuổi của anh sang hàng xóm chơi, bị người hàng xóm dâm ô. Khi bị anh chất vấn, ông ta đã thừa nhận, viết cả giấy ghi lại lỗi của mình nhưng sau đó không xin lỗi như anh yêu cầu. Bức xúc, anh tố cáo lên công an, con gái anh được kiểm tra y tế và kết luận có dấu vết dâm ô, gây ra trầy xước. “Cuối năm 2016, công an thông báo đã khởi tố bị can nhưng đến nay, vụ việc vẫn không có kết quả. Vì sao kẻ gây ra hành vi xấu xa như vậy lại không bị xử lý? Nếu luật pháp bỏ qua thì sẽ có thêm nhiều bé gái nữa chịu nỗi đau như thế này” - người cha phẫn nộ.
Theo luật sư Lê Văn Luân (người đang trợ giúp pháp lý cho vụ việc bé gái 8 tuổi bị XHTD ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), điều vô lý trong các vụ XHTDTE hiện nay là các cơ quan điều tra đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân. “Đối với các vụ dâm ô thì làm sao để lại dấu vết?” - luật sư Luân đặt câu hỏi.
Luật sư Luân dẫn chứng ở nhiều nước, chỉ cần cho trẻ em xem ảnh sex, gợi ý sex, dụ dỗ, gạ gẫm…, chưa có tiếp xúc vào cơ thể cũng đã vi phạm pháp luật, trong khi luật của chúng ta còn quy định chung chung, mức phạt lại quá nhẹ. Luật sư Luân kiến nghị hệ thống pháp luật của Việt Nam cần phải chặt chẽ, nghiêm minh, chi tiết hơn nữa về hành vi XHTDTE .
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), phân tích khó khăn trong việc xử lý các đối tượng XHTDTE trước tiên do quan niệm của gia đình có con em bị xâm hại. Tâm lý của người Việt nói chung rất ngại về vấn đề tình dục đối với cả con gái, quan niệm trinh tiết, trọng nam khinh nữ... nên họ thường chấp nhận thương lượng rồi im lặng khiến các cơ quan thực thi pháp luật rất lúng túng trong việc truy tìm chứng cứ. Ngoài ra, hành trình tìm đến công lý của các nạn nhân và gia đình rất khó khăn một phần vì định kiến, dư luận.
“Hiện nay, luật pháp quy định một đứa trẻ có tới 15 cơ quan, tổ chức bảo vệ nhưng khi có con bị XHTD thì cha mẹ không biết “cầu cứu” ai” - bà Vân Anh nói.
Thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho thấy mặc dù chỉ là phần nhỏ so với thực tế nhưng mỗi năm trung bình có 1.600-1.800 vụ XHTDTE được phát hiện; trong số 1.000 vụ XHTD thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12-15 (chiếm 57,46%), tuy nhiên số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2% là vấn đề rất đáng báo động. “Với hơn 1.000 trẻ em bị XHTD, tính ra trung bình cứ 8 giờ có 1 trẻ em là nạn nhân. Đó thực sự là một con số khủng khiếp. XHTD để lại dấu ấn rất kinh khủng đối với tâm lý, thể xác của đứa trẻ và gia đình. Thế nhưng, có rất nhiều trường hợp như thế nhưng không xử lý gì cả hoặc xử lý nửa chừng” - bà Vân Anh nêu.
Phần lớn “yêu râu xanh” là người quen
Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội (ISDS), nhiều người cho rằng đối tượng XHTDTE là những kẻ không bình thường, biến thái, mắc bệnh về thần kinh nhưng thực tế hầu hết hoàn toàn bình thường về mặt trí tuệ, sức khỏe tâm thần. “Yêu râu xanh” có thể là công chức, cán bộ, thậm chí có chức vụ cao, trí thức, doanh nhân. Khi bị phát hiện, nhiều người còn nhận xét về kẻ xâm hại là “người tốt”, “hiền lành”…
Từ việc phân tích các trường hợp bị XHTD, TS Hồng nói trái với quan điểm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế giao du với người lạ, không đi ra khỏi nhà vào đêm tối, thì có 73% số thủ phạm XHTD là người quen, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng. “Thủ phạm gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao tuổi, có uy tín, giáo viên, người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật. Ngoài ra, phần lớn các vụ XHTDTE cũng xảy ra ở những địa điểm thường được coi là an toàn như trường học, công sở hay chính trong nhà của nạn nhân” - TS Hồng cảnh báo.
Cho rằng cha mẹ cần trang bị những kỹ năng phòng vệ cho trẻ trước các nguy cơ bị XHTD, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lưu ý khi trẻ thôi đóng bỉm, cha mẹ nên cho con mặc đồ lót, nói với trẻ khu vực mặc đồ lót là bất khả xâm phạm, không ai được động vào. Từ 3 tuổi trở lên, ngay cả cha mẹ cũng có thể bị cấm động vào khu vực kín của con vì con đã có thể tự chăm sóc bản thân. Cha mẹ cũng phải dạy con cách giao tiếp đúng mực với mọi người. Chẳng hạn có khách đến chơi chỉ cần chào hỏi rồi đi chỗ khác để cha mẹ tiếp khách. Ngoài ra, có một quy tắc có thể dạy cho trẻ là “quy tắc lòng bàn tay”. Hãy khoanh khu vực bàn tay thành các vòng, trong mỗi vòng là vị trí của cha, mẹ, anh chị em họ hàng, người quen và người lạ… Nghĩa là phía trong thì được cầm tay, ngoài là nắm tay, xa hơn là chỉ bắt tay, xa hơn nữa thì… xua tay.
Đề xuất “thiến hóa học”
Tại hội thảo, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đề xuất áp dụng biện pháp “thiến hóa học” đối với tội phạm tình dục nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm. Theo luật sư Điệp, trong khu vực châu Á hiện có Indonesia và Hàn Quốc đã áp dụng đạo luật “thiến hóa học” để tiêu diệt dục tính đối với tội phạm ấu dâm. Ở châu Âu, các nước Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Moldova đều đã dùng biện pháp thiến phẫu thuật để xử lý dứt điểm. Ngoài ra, các nước Argentina, Úc, Israel, New Zealand... cũng áp dụng hình phạt tương tự đối với loại tội phạm này.
Theo giới chuyên môn, “thiến hóa học” là biện pháp tiêm vào người kẻ phạm tội loại hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất những nhu cầu ham muốn về tình dục.
Xử lý nghiêm
Ngày 14-3, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đề cập đến vụ bé gái 8 tuổi (quận Hoàng Mai) bị dâm ô, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà cho biết: “Hiện Công an TP đã khởi tố vụ án để điều tra vụ việc. Quan điểm của Thành ủy Hà Nội là xử lý nghiêm và đúng người, đúng tội”. Công an quận Hoàng Mai đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội để tiếp tục điều tra.
Đối với vụ việc trên, bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, cho biết hội đã đề nghị Công an TP nhanh chóng làm rõ. Trước đó, ngay sau khi biết thông tin, hội đã cùng UBND phường Thịnh Liệt đến nhà nạn nhân thăm hỏi, đồng thời làm việc với Công an quận Hoàng Mai.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Hồng Lan cho biết con số hơn 1.000 trẻ em bị XHTD mỗi năm chỉ là một phần của “tảng băng chìm”. Bên cạnh hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH đã chọn 2017 là năm phòng chống xâm hại trẻ em. Ngay từ đầu năm, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi các địa phương để hướng dẫn hoạt động liên quan đến chủ đề này.
Tuy nhiên, từ thực tiễn, bà Đào Hồng Lan cho rằng để xử lý được một vụ XHTDTE thì liên quan đến rất nhiều bên: nạn nhân, thủ phạm, gia đình, nhà trường, cơ quan điều tra, các cơ quan pháp luật khác…, từ đó mới có thể kết luận được hành vi XHTDTE và tiến tới xử lý theo quy định của pháp luật.
N.Quyết - V.Duẩn - N.Hưởng
Bình luận (0)