Đóng cọc thép làm đê vây quanh con tàu cổ vật
Nhà thầu Đoàn Ánh Dương cũng đã định vị lại mốc giới, biên độ phạm vi cổ vật và thân tàu bị đắm. Sau khi hoàn thành đê vây, công ty sẽ đưa hệ thống khung sườn bảo vệ vào bên trong để bảo vệ khu vực khai quật. Đồng thời, tiến hành hút nước biển, trục vớt toàn bộ tấm lưới sắt đã úp lên vị trí tàu, hút cát rồi khai quật cổ vật và tàu.
Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết dự kiến trong khoảng 10 ngày nữa, khi công việc xây dựng đê vây hoàn tất sẽ tiến hành lấy cổ vật lên. Riêng việc khai quật chậm trễ dẫn đến tăng chi phí bảo vệ, hiện đơn vị trúng thầu đang báo cáo giải trình với UBND tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đăng Vũ, cùng với việc khai quật cổ vật, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị trúng thầu phải tìm giải pháp an toàn và hiệu quả cao nhất để bảo vệ xác con tàu. “Sau khi đưa lên khỏi mặt nước, con tàu sẽ được rã mặn. Việc này đòi hỏi thời gian khoảng mấy năm mới thực hiện được, sau đó sẽ lắp ráp lại con tàu như cũ… Con tàu này sẽ được trưng bày tại bảo tàng để người dân thưởng lãm” - ông Vũ nói.
Tuy nhiên, việc bảo vệ con tàu này theo một nhà nghiên cứu khảo cổ học là “rất khó thực hiện”. Con tàu đã nằm hàng trăm năm dưới lớp cát dày khoảng 3 m, khi vớt lên sẽ thay đổi nhiều yếu tố hóa lý dẫn đến việc bảo quản cực kỳ khó khăn. Đó là chưa kể chi phí khai quật con tàu này chiếm một phần rất lớn trong số 40 tỉ đồng khai quật theo kế hoạch. Việc bảo vệ xác tàu sau này cũng sẽ tốn kinh phí không nhỏ.
Bình luận (0)