Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, trong số 37 vị trí sạt lở nêu trên, so với năm 2017 đã giảm 3 vị trí do xây kè và di dời dân khỏi 8 vị trí nhưng lại phát sinh 5 vị trí mới.
Theo đó, trong số những vị trí sạt lở trước đó hiện có 6 vị trí đã cơ bản hoàn thành xong công trình kè bảo vệ bờ, 2 vị trí đã di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm. Huyện Nhà Bè - nơi có nhiều vị trí sạt lở nhất - đã được khắc phục được 5 vị trí. Còn lại, 3 vị trí ở quận 2, Thủ Đức và huyện Bình Chánh cũng đã khắc phục và loại khỏi danh mục.
Tuy nhiên, trong số 5 vị trí sạt lở mới phát sinh, Sở GTVT cho biết đều là những vị trí nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, nằm ở quận 2, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn và Cần Giờ.
Một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở huyện Nhà Bè (TP HCM) đêm 26-6-2017 khiến 5 căn nhà bị hư hại nghiêm trọng, hàng chục người phải di dời khẩn cấp.
Theo Sở GTVT, với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu, mùa mưa bão năm 2018 dự báo tình hình sạt lở bờ sông tại TP HCM còn diễn ra với mức độ gia tăng. Với thực trạng này, Sở GTVT cho biết tại những dự án chống sạt lở, nếu được bàn giao mặt bằng trong tháng 8 thì cuối năm nay, các đơn vị sẽ hoàn thành 8 công trình.
Trong đó, Khu Quản lý đường thủy nội địa sẽ hoàn thành 7 công trình, còn 1 công trình do UBND huyện Nhà Bè hoàn thành, dù hiện nay các công trình này vẫn chưa được bàn giao đầy đủ mặt bằng nên các đơn vị vừa vận động người dân vừa thi công.
Để hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản của người dân tại những khu vực sạt lở, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kè bảo vệ bờ, Sở GTVT cho biết đang kiến nghị UBND TP chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương bàn giao mặt bằng, vận động người dân nhằm nhanh chóng thực hiện.
5 vị trí sạt lở mới phát sinh:
Vị trí số 1: Bờ phải rạch Tra (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn): sạt lở đường vào Nhà máy Tân Hiệp - mức độ sạt lở nguy hiểm. Tại khu vực này, Khu Quản lý đường thủy nội địa đang lập dự án đầu tư xây dựng kè.
Vị trí số 2: Bờ phải sông Chợ Đệm - Bến Lức (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh): mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Khu Quản lý đường thủy nội địa làm chủ đầu tư dự án, hiện đang hoàn tất các thủ tục về đầu tư Công.
Vị trí số 3: Bờ phải rạch Bầu Le (thượng lưu cầu Bầu Le, thuộc địa bàn xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè): mức độ sạt lở nguy hiểm. Tại khu vực này hiện các đơn vị đang thực hiện các thủ tục về đầu tư Công để thực hiện dự án.
Vị trí số 4: Bờ trái sông Sài Gòn, cách cầu Sài Gòn 4,5 km về phía thượng lưu (thuộc khu đất số 61 Trần Ngọc Diện, phường Thảo Điền, quận 2): Mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Khu Quản lý đường thủy nội địa đang lập dự án đầu tư xây dựng kè.
Vị trí số 5: Km 00+500, bờ trái, tuyến Tắc Ông Nghĩa (cách hạ lưu cầu An Nghĩa khoảng 400 m, thuộc ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ): mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tại đây đã có dự án xây dựng kè do Ban Quản lý đầu tư dự án huyện Cần Giờ làm chủ đầu tư, đang triển khai thi công.
Bình luận (0)