Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại ĐBSCL đã và đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô.
Vụ sạt lở mới nhất xảy ra tại khu vực Thới Lợi (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Theo đó, vào ngày 11-5, nhiều hộ dân sống tại đoạn ngã ba sông Ô Môn tiếp giáp với rạch Vàm (cách sông Hậu khoảng 200 m) thuộc khu vực Thới Lợi hoảng hốt khi xảy ra một vụ sạt lở ăn sâu vào đất liền khoảng 5-7 m, cắt đứt hoàn toàn 15 m đường bê-tông. Một căn nhà của người dân bị sụp hoàn toàn xuống sông và một căn nhà khác buộc phải di dời khẩn cấp.
Theo ông Đào Minh Huy, Chủ tịch UBND phường Thới An, mỗi ngày đoạn bờ sông bị sạt lở lại càng mở rộng hơn, đe dọa cuộc sống của hàng chục hộ dân lân cận.
Tại phường Thới An còn có 2 điểm khác bị sạt lở, gồm: khu vực Thới Bình hiện cũng bị sạt lở bờ sông dài 54 m, sâu 5-7 m; khu vực Thới Phong đoạn sạt lở 25 m sâu vào trong 3-4 m. Có hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Trước đó, vào sáng sớm ngày 6-4, tại khu vực Thới Bình, xảy ra vụ sạt lở đã khiến một đoạn đường giao thông dài khoảng 54 m, rộng 12 m rơi xuống sông cuốn theo 3 căn nhà và một bãi giữ xe. Vị trí đoạn sạt lở nằm trong giai đoạn 3 của dự án bờ kè chống sạt lở sông Ô Môn, kinh phí đầu tư khoảng 400 tỉ đồng.
Sạt lở tại khu vực Thới Lợi vào ngày 11-5. Ảnh: CA LINH
Tại Vĩnh Long, một vụ sạt lở vừa xảy ra tại kênh Hai Quý (khóm 1, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh) với chiều dài khoảng 500 m, ăn sâu vào bờ 5 m, làm đứt đoạn đường bê-tông. Có 7 hộ với 31 người bị ảnh hưởng trực tiếp. Ông Nguyễn Quý Ninh, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP Cần Thơ, cho biết: "Người dân lấn chiếm lòng sông, kênh rạch bị co hẹp lại, gia tải lên bờ sông ngày càng lớn. Bên cạnh đó, việc khai thác cát không theo quy hoạch cùng với tác động của biến đổi khí hậu... là các nguyên nhân khiến sạt lở diễn ra. Thời gian sạt lở diễn ra nhiều nhất vào các tháng 4, 5, 6 hằng năm".
Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khu vực ĐBSCL có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149 km cần phải xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Tổng kinh phí cần đầu tư vào khoảng 6.990 tỉ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của sạt lở cũng như thiệt hại nặng nề, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản kiến nghị bổ sung ngân sách trung ương cho tỉnh năm 2018 hơn 54 tỉ đồng để hoàn trả tạm ứng ngân sách của tỉnh đã chi hỗ trợ các hộ dân trong vùng sạt lở di dời khẩn cấp. Tỉnh cũng kiến nghị trung ương xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư để di dời khẩn cấp trên 2.400 hộ dân đang nằm trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Kinh phí thực hiện khoảng 657 tỉ đồng.
Mới đây, tại trụ sở Chính phủ, chủ trì cuộc làm việc với các tỉnh ĐBSCL về tình hình sạt lở đất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần giữ đất, giữ người, tinh thần thuận thiên trong xử lý vấn đề, không để "mất bò mới lo làm chuồng", "không để sạt lở gần hết rồi mới chạy đi tìm nguồn lực giải quyết".
Bình luận (0)