Rất nhiều bạn đọc đã đề nghị như vậy với SGK lớp 1.
Bạn đọc CCB 559 bức xúc: Giáo dục là tương lai của đất nước, cớ sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại xem như chuyện bình thường - chỉ cần rà soát và chỉnh sửa. Những sai sót này đâu có thể sửa sai một cách đơn giản như vậy. Sách mà đầy sạn thì không nên sử dụng.
Bạn đọc Liem thẳng thắn: "Nói thật với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu óc trẻ con mới vào lớp 1 chưa phát triển bao nhiêu, vậy nên chỉ cần sử dụng SGK lớp 1 của các năm trước cho các cháu học là đủ, không cần phải sáng tác gì thêm cho đỡ tốn kém, đỡ thảm họa cho gia đình và xã hội".
SGK Tiếng Việt lớp 1 nhiều sai sót gây bức xúc dư luận
"Không lẽ Việt Nam mình không có thơ, văn hay sao mà phải trích từ nước ngoài, SGK mà câu từ lủng củng, khó đọc, khó nhớ. Đã là SGK chung cho cả nước thì dùng từ phải thông dụng, phổ biến" - bạn đọc Le Duyen góp ý.
Bạn đọc Huy Quang bực bội: Lấy từ điển Hoàng Phê ra để bao biện. Từ điển thì đủ loại từ. Nhưng dùng thế nào mới là quan trọng!
"Các vị phải biết rằng đây là SGK cho học sinh lớp 1, tâm hồn các cháu tựa như tờ giấy trắng, không thể đem những từ ngữ của "dân chợ trời" ra để gieo vào đầu con trẻ"; "Các cháu sao đã có thể hiểu từ ăn có thể nói là "nhá", là "gặm" là "đớp" là "chén"? Như vậy, khi người lớn yêu cầu cháu hãy ăn đi, cháu sẽ nói là cháu đang "nhá" đây; hay cháu đang "đớp" đây hoặc cháu đang "chén" đây. Ông Bộ trưởng nghĩ sao về cách dạy này?" - nhiều bạn đọc bất bình nêu ý kiến.
Bạn đọc cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Hội đồng vừa thẩm định vừa rà soát liệu có khách quan không? Chẳng lẽ chúng ta dạy cho con trẻ trở thành lớp người luôn nghi kỵ, không tin tưởng lẫn nhau như để tránh rơi vào cảnh như cá bị cò lừa gạt, lớp người lười nhác, trốn việc như ngựa Tía?
Bạn đọc Hà Thủy cũng tâm tư: Trẻ em Việt nam khó tiếp thu ca dao, tục ngữ Việt Nam hơn truyện ngụ ngôn nước ngoài hay sao? Bạn đọc Nguyễn Thành Phước thì băn khoăn: Sách tiếng Việt dùng chung cho cả nước mà lại dùng khá nhiều từ một vùng miền liệu có chuẩn?
Bạn đọc Công Thành thì bộc bạch: Thời của chúng tôi ca dao, tục ngữ mẹ ru thuở còn thơ đã ngấm vào máu thịt, nhân sinh quan đặc biệt là tình yêu quê hương, ông bà, cha mẹ. Dạy cho con nít biết lẽ phải, lòng nhân từ, bao dung và không côn đồ, hiếu thắng, bạc nghĩa. Dạy làm người tốt...
Chẳng lẽ những điều này không còn phù hợp sao?
"Đã thẩm định xong để đưa ra giảng dạy, bây giờ còn rà với soát gì nữa. Việc này là việc quốc gia, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai mà như thế, cả một hội đồng thành lập ra để làm gì? Những người có trách nhiệm xin đừng bao biện nữa. Và sách SGK chi chít sạn này không cần phải rà với soát gì mà tốt nhất là nên thu hồi"- nhiều bạn đọc đề nghị.
Bình luận (0)