GS-TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định những người biên soạn sách giáo khoa (SGK) đã làm rất kỹ và có quan điểm của mình.
Phản hồi thông tin bài tập đọc "Hai con ngựa" bị cho rằng là câu chuyện bịa, GS Thuyết cho biết bài tập đọc này được viết lại (phỏng theo) truyện "Ngựa đực và ngựa cái" của Lev Tolstoy được in trong cuốn "Kiến và bồ câu". Trong SGK Tiếng Việt 1, cốt truyện được giữ nguyên, nhưng truyện dài nên phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, phần 2 được học ngay sau phần 1.
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định những người biên soạn sách đã làm rất kỹ và có quan điểm của mình
Về nhân vật, tác giả phải sửa "ngựa đực, ngựa cái" thành "ngựa tía, ngựa ô" vì học sinh đến tuần đó chưa học các vần "ưc", "ai" và cũng vì không muốn nói chuyện "đực, cái". Trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Ngựa đực làm theo lời ngựa cái. Bác nông dân thấy ngựa đực ương bướng, bèn đóng ngựa cái vào vai cày. Những chi tiết này đã được tác giả sửa lại cho nhẹ nhàng nhưng căn bản diễn biến câu chuyện vẫn như truyện của Lev Tolstoy.
Chủ biên SGK tiếng Việt cho rằng về ý nghĩa, một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Ý nghĩa của câu chuyện này là xui người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả.
Bài tập đọc "Ve và gà" cũng được viết lại (phỏng theo) truyện "Ve và kiến" của La Fontaine, nhà văn Pháp. Truyện dài nên cũng phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2, dạy liền nhau. Tác giả SGK phải đổi nhân vật "kiến" thành "gà" vì đến lúc này học sinh chưa học vần ''iên", nhưng cốt truyện giữ nguyên.
Các bài đọc trên chỉ sửa tên nhân vật cho phù hợp với các chữ, các vần học sinh đã được học và chưa được học nhưng đã được tác giả thận trọng ghi là "phỏng theo" và đưa tên người kể lại để chịu trách nhiệm.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định các bài đọc là để học sinh ôn chữ, ôn vần
Phản hồi ý kiến cho rằng nhóm tác giả đã sử dụng phương ngữ, học sinh không hiểu, cụ thể là sử dụng từ "nhá" - nhá cỏ, nhá dưa chứ không sử dụng từ "nhai" trong bài tập đọc "Thỏ thua rùa", GS Thuyết cho rằng theo chương trình thì đến phần có bài tập đọc này học sinh chưa học đến vần "ai", nên tác giả sách sử dụng từ "nhá". Từ này hoàn toàn không phải là phương ngữ mà là từ phổ thông, có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê.
Tương tự với những thắc mắc về việc sao không sử dụng từ "hiên" mà lại là từ "hè"… , GS Thuyết cho hay hè hay hiên đều có mặt trong Từ điển của Hoàng Phê.
Ngoài ra, trong sách cũng có một số từ địa phương như ba - má, tổng chủ biên SGK tiếng Việt lý giải sách dạy cho học sinh cả nước nên tác giả xây dựng 2 tuyến nhân vật, học sinh sống ở các tỉnh phía Bắc thì gọi bố gọi mẹ, học sinh sống ở các tỉnh phía Nam thì gọi ba gọi má....
Về ý nghĩa của các bài đọc, có thắc mắc rằng lấy đâu ra chuyện chó xù ra ngõ gặp sư tử, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay nếu cứ theo tư duy kiểu này, thì các câu chuyện cổ tích, thần thoại phải bỏ đi hết. Hoặc như bài "Cua, cò và đàn cá" bị cho là dạy học sinh khôn lỏi. GS Thuyết cho rằng đây là bài đọc theo truyện dân gian Việt Nam, khai thác như thế nào là do mỗi người. Người này cho rằng bài này dạy học sinh khôn lỏi, nhưng người kia lại rút ra được bài học cảnh giác. Trong xã hội hiện nay, dạy trẻ con phải cảnh giác không phải là thừa.
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định các bài đọc là để học sinh ôn chữ, ôn vần. Ông cho rằng không nên lo học sinh không hiểu, bởi dạy cho học sinh hiểu là nhiệm vụ của giáo viên. Giáo viên sẽ giảng cụ thể cho học sinh ý nghĩa của từ ngữ trong các bài đọc, học sinh không phải tự mình học với SGK.
Bình luận (0)