Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) - Bộ Công an cho biết tình trạng này xuất phát từ việc Thông tư 15/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2009 của Bộ GTVT quy định đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ có nhiều kẽ hở.
Vô tư bỏ giấy phép lái xe
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 20-12, thượng tá Nguyễn Kim Hải, Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ - C67, cho biết số lượng GPLX bị “bỏ rơi” ngày một nhiều. “Điều này xuất phát từ việc xin cấp đổi lại GPLX hiện nay quá dễ dàng” - ông Hải khẳng định.
Xử phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội. Ảnh: ĐỖ DU
Nhiều tài xế còn “trang bị” sẵn từ 2-3 GPLX để đối phó với CSGT khi cần.
Còn nhiều kẽ hở
Thượng tá Nguyễn Kim Hải cho rằng việc quản lý tài xế vi phạm đang bị bỏ ngỏ bởi hiện nay theo phân cấp, Bộ GTVT cấp GPLX nhưng Bộ Công an lại chỉ xử phạt. “Họ điều khiển xe đi lịch trình như thế nào, bao nhiêu lần vi phạm, lỗi vi phạm mức độ ra sao thì không kiểm soát được” - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho rằng thực tế đó xuất phát từ những cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua của Bộ GTVT. Hơn nữa, giữa Bộ GTVT và Bộ Công an chưa có cơ chế phối hợp để kiểm soát vi phạm của lái xe nên không thể kiểm tra được người làm đơn khai báo mất GPLX có trung thực hay không. Đó là chưa kể quá trình xác minh hồ sơ chủ phương tiện có nhu cầu cấp lại GPLX, thông thường cũng phải mất từ 10 - 15 ngày, trong khi thời gian xử lý một vụ việc vi phạm chỉ cho phép 10 ngày nên lực lượng chức năng đã gặp không ít khó khăn.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang hy vọng với việc cấp đổi GPLX theo mẫu mới bắt đầu triển khai từ cuối quý I/2012, việc quản lý dữ liệu về tài xế sẽ dễ dàng hơn. “Chúng tôi sẽ phối hợp với C67 để cùng triển khai việc này và lực lượng CSGT chỉ cần vào mạng là có thể kiểm tra được lái xe” - ông Quyền nói.
Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Kim Hải cho rằng đó là đề án của Bộ GTVT làm, còn C67 chưa có kế hoạch nào về việc trang bị phương tiện máy tính nối mạng cho lực lượng CSGT tuần tra trên đường. “Hơn nữa, nếu có vào mạng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì việc cập nhật lỗi vi phạm cũng sẽ không dễ dàng gì” - ông Hải cho biết.
Thượng tá Trần Sơn lo ngại nếu những kẽ hở này không sớm được bịt sẽ nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật của một bộ phận tài xế. “Cần phải có một cơ sở dữ liệu quản lý chung về GPLX, đăng ký xe và thông tin xử lý vi phạm, tránh tình trạng bỏ GPLX để cùng lúc xin cấp lại nhiều GPLX và tiếp tục vi phạm như hiện nay” - ông Sơn bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT để kiến nghị Chính phủ xung quanh vấn đề này.
Ngành công an đề nghị quản lý, cấp GPLX Phát biểu tại hội nghị an toàn giao thông quốc gia năm 2012 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết công tác đào tạo, cấp GPLX đã bộc lộ nhiều bất cập, việc xin cấp GPLX quá dễ dàng. “Từ đó đã có nhiều ý kiến cho rằng nên chuyển việc đào tạo, sát hạch, quản lý và xử phạt giao thông về một mối, giao cho Bộ Công an quản lý như từ trước năm 1995 trở về trước để tránh hai cơ quan quản lý (Bộ GTVT và Bộ Công an) vênh nhau về quy định và sự phối hợp” - thượng tá Trần Sơn nói.
Bình luận (0)