Liên quan việc bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi - cầu bắc qua sông Sài Gòn (nối giữa 2 quận Thủ Đức và Bình Thạnh, TP HCM), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP xem xét để có ý kiến chỉ đạo.
Theo Sở GTVT, sau khi làm việc với các đơn vị liên quan, các bên đều thống nhất việc bảo tồn toàn bộ cầu đường sắt Bình Lợi là không khả thi. Trong đó, yếu tố chính là sẽ không đảm bảo an toàn cho giao thông thuỷ trên sông Sài Gòn, các trụ cầu đã hư hỏng và được gia cố nhiều lần, trong khi mặt bằng lưu giữ hiện cũng thiếu, chưa kể đến chi phí bảo quản...
Cầu đường sắt Bình Lợi đã nhiều lần hư hỏng và được gia cố
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM sau khi khảo sát cũng đã có ý kiến bảo tồn nguyên trạng một phần cây cầu này (gồm 2 nhịp cầu giáp bờ phía quận Thủ Đức, trong đó 1 nhịp cầu quay và 1 tháp canh đầu cầu). Vấn đề này, Sở GTVT thống nhất nhằm lưu giữ những dấu tích của cầu đường sắt gắn với không gian sông nước, phục vụ cho tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển du lịch.
Trong khi đó, phía Bảo tàng TP HCM cũng cho biết đã tổ chức khảo sát, quay phim, chụp hình. Hiện bảo tàng không có điều kiện về mặt bằng để lưu giữ nhịp, dầm cầu và các cấu kiện khác.
Đối với các kết cấu khác của cầu đường sắt Bình Lợi, Sở GTVT cho biết đó là tài sản của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nên đề nghị đơn vị này tiếp tục có kế hoạch quản lý, bảo tồn.
Sau khi hoàn thành tháo dỡ cầu, phạm vi khu vực phía quận Bình Thạnh, Sở GTVT đề xuất giao Khu Quản lý đường thủy nội địa nghiên cứu xây dựng bến thuỷ nội địa phục vụ vận tải hành khách và du lịch.
Cầu đường sắt Bình Lợi đã tồn tại được 117 năm
Cầu đường sắt Bình Lợi xây dựng năm 1902, nằm trong khu gian Bình Triệu - Gò Vấp thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn TP HCM. Cầu có chiều dài 280,4 m, bắc qua sông Sài Gòn. Cây cầu gồm 6 nhịp dàn thép vòm, mặt cầu thiết kế đi chung đường sắt và đường bộ.
Thời chiến tranh và những năm sau chiến tranh, cầu bị hư hỏng nhiều lần, được gia cố hàng loạt hạng mục như móng, các nhịp giàn thép, bọc thân trụ...
Hiện nay, các nhịp 1, 2, 3 và 6 còn nguyên hình dạng vòm, trong khi nhiều chi tiết thép đã được thay thế qua nhiều thời kỳ. Riêng nhịp 4 và 5 đã thay đổi hình dạng, không còn như ban đầu.
Trước đó, năm 2014, Bộ GTVT phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc, trong đó có hạng mục xây cầu đường sắt Bình Lợi mới. Theo dự án được duyệt, cầu mới sau khi hoàn thành sẽ tháo dỡ cầu cũ nhằm đảm bảo luồng tuyến giao thông thủy trên sông Sài Gòn.
Bình luận (0)