Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tư vấn, hù dọa bệnh nhân mắc nhiều bệnh để họ đến khám rồi chặt chém tiền khám bệnh, phát thuốc, điều trị… đã là "căn bệnh kinh niên". Minh chứng là chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an TP HCM thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất tất cả 28 lượt đối với 8 phòng khám đa khoa có người hành nghề mang quốc tịch Trung Quốc. Phát hiện vi phạm 28/28 lượt kiểm tra. Các hành vi vi phạm là: Không lập hồ sơ bệnh án, sổ khám bệnh theo quy định hoặc có lập nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá niêm yết…
"Những vi phạm này không mới và cũng chỉ là số ít được nêu ra trong rất nhiều sai phạm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Vì sao kiểm tra rồi, xử phạt rồi nhưng vẫn lập lại sai phạm cũ? Vậy công tác kiểm tra, xử phạt có hiệu quả chưa? Việc kiểm tra có thực chất hay là hình thức? Việc xử phạt có đủ răn đe hay số tiền phạt thật sự không đáng kể so với lợi nhuận các phòng khám này thu được? Nếu vậy, cần phải thay đổi giải pháp thanh tra, kiểm tra chứ không thể cứ như chơi trò cút bắt, vừa làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật vừa khiến người dân tiếp tục bị lừa gạt, tiền mất tật mang"- Bạn đọc Hiếu Minh nêu ý kiến.
Với việc PV báo Người Lao Động tìm cách thâm nhập mạng lưới phòng khám có bác sĩ Trung Quốc dưới "mác" người ứng tuyển vị trí "nhân viên tư vấn sức khỏe online (trực tuyến) để phanh phui ra nhiều sai phạm ở đây, thế nhưng câu trả lời quen thuộc của Thanh tra Sở Y tế về vấn đề này là: "Đang xác minh", "Sẽ xử lý nghiêm" đã khiến cho nhiều bạn đọc thất vọng.
Bạn đọc Trần Trí thắc mắc: "Tất cả Sở Y tế các tỉnh đều có bộ phận thanh tra, vậy sao các thanh tra viên không đóng vai người bệnh đi khám, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý mạnh tay, triệt để, thậm chí rút giấy phép vĩnh viễn những phòng khám vi phạm? Tôi không hiếu bộ phận thanh tra y tế tại Sở Y tế lập ra để làm gì?".
Theo nhiều bạn đọc, trong những lần trả lời phỏng vấn, hầu hết các sở y tế địa phương, trong đó có Sở Y tế TP HCM đều “đổ” cho Bộ Y tế, Sở Kế hoạch- Đầu tư cấp phép cho các phòng khám này hoạt động, nhắc đến trách nhiệm thanh tra về chuyên môn do ngành y tế địa phương quản lý thì chỉ nhận được những thống kê về việc đã xử phạt bao nhiêu vụ, bao nhiêu tiền. Thế là hết. Liệu như vậy, Sở Y tế đã làm hết trách nhiệm chưa? Vì sao những phòng khám này nhiều năm qua sai phạm lập đi lập lại mà vẫn được tồn tại, không “dẹp loạn” được trừ vài vụ đóng cửa cho có để rồi hôm sau nó lại hoạt động dưới tên khác? Có hay không việc buông lỏng quản lý các phòng khám coi thường kỷ cương này?
Có thể nói đến giờ này, Sở Y tế TP vẫn còn nợ dư luận câu trả lời rõ ràng, mạnh dạn, dứt khoát về trách nhiệm của ngành y tế địa phương khi để những phòng khám lừa đảo người bệnh kiểu này lộng hành.
Bình luận (0)