Từ đầu tháng 8-2022 đến nay, trên cả nước liên tục xảy ra những vụ cháy lớn khiến dư luận thật sự lo lắng.
Điển hình như vụ cháy tại quán karaoke ISIS 231 ở đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội khiến 3 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi nỗ lực cứu người, dập lửa ngày 1-8. Một tuần sau đó, cháy một căn nhà trên đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khiến 3 người tử vong. Mới đây nhất, ngày 13-8, một vụ cháy xảy ra ở TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận khiến 3 mẹ con tử vong.
Thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 414,73 tỉ đồng và 40,87 ha rừng. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ cháy, người chết và bị thương tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức đáng báo động.
Theo báo cáo, các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người chủ yếu xảy ra tại khu vực dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh. Những nơi này có đặc điểm chủ yếu là dạng nhà liên kế, kết hợp vừa ở vừa sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy hầu hết các vụ cháy này có diện tích cháy không lớn, không gây thiệt hại nhiều về tài sản nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng về người, có vụ làm chết và bị thương nhiều người.
Trong những năm qua, lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt để nâng cao ý thức người dân trong phòng chống cháy nổ, qua đó góp phần bảo đảm an toàn PCCC.
Nhiều buổi tuyên truyền, diễn tập, tập huấn và hướng dẫn các kỹ năng PCCC, thoát nạn, cứu hộ đã được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Bởi những buổi tập huấn như thế chưa được tổ chức thường xuyên, người dân không có nhiều điều kiện để thực hành. Đến khi xảy ra hỏa hoạn lại không đủ bình tĩnh để áp dụng những nội dung đã được phổ biến trước đó vào thực tế.
Vì thế, không chỉ cần có kiến thức PCCC mà quan trọng không kém là phải có kỹ năng xử lý tình huống đạt mức độ thuần thục, nhuần nhuyễn khi đối mặt sự cố cháy, nổ.
Để làm được điều này, cần phải đưa nội dung PCCC, kỹ năng thoát hiểm, cứu hộ cứu nạn vào chương trình giáo dục cho học sinh từ mẫu giáo đến THPT và cả đại học. Có như vậy, học sinh, sinh viên mới được trang bị, cập nhật kiến thức PCCC thường xuyên, từ đó thuần thục các kỹ năng và có phản xạ tự nhiên. Để khi đối mặt với sự cố cháy - nổ, các em có thể bình tĩnh xử lý, không chỉ giúp bản thân mà còn giúp người khác được an toàn.
Các kiến thức về an toàn giao thông, các kỹ năng bơi lội được đưa vào chương trình giáo dục từ nhiều năm nay đã cho thấy những kết quả tích cực. Đã đến lúc các thế hệ công dân mới của đất nước cần được trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát hiểm, cứu hộ cứu nạn. Tin rằng với đặc tính ham học hỏi của trẻ em thì việc trang bị kỹ năng này thông qua các tiết học và thực hành sẽ đạt hiệu quả cao, nếu được tổ chức bài bản, khoa học.
Bình luận (0)