Buổi trưa một ngày đầu tháng 8-2020, TP Đà Nẵng vắng lặng vì giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Điện thoại rung liên hồi, anh Vũ bắt máy, đầu dây bên kia thảng thốt tiếng của sản phụ Nguyễn Lan Chi (trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam): "Đội xe chuyên chở bà bầu đó phải không? Tôi đang chuyển dạ, cần phải đến bệnh viện gấp nhưng bị kẹt tại chốt cách ly Quảng Nam - Đà Nẵng".
Đội xe tử tế
Không nghĩ nhiều, anh Trần Ngọc Vũ (ngụ phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vội vã đưa xe đến chốt kiểm dịch để đón sản phụ, rồi đưa đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Nhận tin sản phụ đã "vượt cạn" thành công, anh Vũ mới yên tâm ra về. Đó cũng là cuốc xe đầu tiên mở hàng cho "Đội xe bà bầu".
Mẹ và bé được “Đội xe bà bầu” đưa đón đến bệnh viện và trở về nhà
Anh Mai Anh Đức với sản phẩm nước sát khuẩn cung cấp miễn phí cho tuyến đầu chống dịch
Những ngày này, nhằm giảm tải cho lực lượng xe cấp cứu phục vụ chống dịch, anh Vũ (tài xế xe công nghệ) đã kết nối vài tài xế khác để lập nên "Đội xe bà bầu". Là người điều phối, anh Vũ chịu trách nhiệm đứng ra tổng hợp danh sách số điện thoại, địa chỉ từng thành viên rồi đăng lên Facebook để mọi người liên lạc khi cần. Ban đầu, nhóm chỉ có 4 người nhưng sau vài ngày hoạt động, nhiều tài xế không quen biết cũng nhắn tin tình nguyện tham gia hoạt động. Đến cuối tháng 8, nhóm có hơn 100 tài xế trải rộng khắp 7 quận, huyện của TP Đà Nẵng và một số vùng ở tỉnh Quảng Nam. Ngay tuần đầu hoạt động, nhóm đã giúp hơn 50 sản phụ đến bệnh viện sinh nở an toàn. Cả chuyến đi lẫn về đều hoàn toàn miễn phí.
Bốn tháng sau lần "vượt cạn" giữa tâm dịch, chị Từ Thị Nhung (trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã dần ổn định sức khỏe. Cháu bé kháu khỉnh có nick-name "cu Vid" như nhắc nhớ về kỷ niệm không thể quên của gia đình.
Hoàn thành sứ mệnh, "Đội xe bà bầu" tạm đóng lại sau khi TP Đà Nẵng tuyên bố hết dịch Covid-19. Gần 100 thành viên lại quay về với công việc mưu sinh. Tuy nhiên, mạng lưới kết nối thành viên vẫn còn đó, sẵn sàng hoạt động trở lại khi TP đối diện với Covid-19.
Không riêng "Đội xe bà bầu", TP Đà Nẵng còn nhiều đoàn xe 0 đồng khác tích cực hoạt động, góp sức với chính quyền trong 2 đợt cách ly chống dịch. Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng cho hay những CLB xe 0 đồng như CLB Xe bán tải TP Đà Nẵng, CLB Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng, Nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng… đã vận chuyển hàng trăm chuyến hàng miễn phí cho Ủy ban MTTQ TP Đà Nẵng, Thành Đoàn Đà Nẵng và các nhóm thiện nguyện đến tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, hỗ trợ hàng trăm chuyến xe tình nghĩa giá 0 đồng cho hơn 1.500 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người lao động nghèo ở các tỉnh miền Trung về nhà an toàn trong thời gian dịch bệnh và kéo dài đến nay.
"Vì tôi là công dân thành phố"
Từng là một bệnh nhân Covid-19 mang số hiệu 687, rồi xuất viện và trở thành một "chiến sĩ" chống dịch, anh Mai Anh Đức (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) không khỏi xúc động khi nhớ lại quãng thời gian TP gồng mình chống dịch.
Kỷ niệm trong những ngày nằm viện với anh Đức là sự nhiệt tình, chu đáo và tận tâm của tất cả đội ngũ y - bác sĩ. Những nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ kín mít, không hề biết mặt mũi, chỉ có thể nhận diện qua giọng nói. "Tôi nhớ có rất nhiều giọng nói của các bác sĩ đến từ khắp cả nước: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi bệnh viện ở Hải Phòng, Bình Định... Chính cách làm việc chuyên nghiệp, không ngại khó khăn, vất vả của các bác sĩ đã giúp bệnh nhân chúng tôi cảm thấy yên tâm khi chữa trị. Là một công dân TP Đà Nẵng, tôi thấy mình còn nợ các y - bác sĩ một mối ân tình" - anh Đức bồi hồi.
Sau khi xuất viện, anh Mai Anh Đức đã bắt tay ngay vào kế hoạch mới: Sản xuất và cung cấp nước sát khuẩn miễn phí cho các cơ sở chống dịch trong TP. Anh đặt tên kế hoạch là Dự án 687 theo đúng số hiệu bệnh nhân của mình trong lúc chữa trị Covid-19. Anh Đức liên hệ và được bạn bè hỗ trợ miễn phí một máy tạo nước sát khuẩn PG3.0 theo công nghệ Nhật Bản trị giá hơn 100 triệu đồng. Nước sau khi qua thiết bị có độ pH từ 3.0 - 6.5, ổn định và có tính sát khuẩn cao nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho da tay và vật dụng; được Viện Pasteur TP HCM chứng nhận khả năng diệt khuẩn đến 99%".
Sát cánh cùng anh Đức có gần 10 bạn tình nguyện viên, lập thành Team 687. Toàn nhóm thực hiện từ các khâu vận hành máy sản xuất, đóng chai, vận chuyển đến các cơ sở. Mỗi phút nhóm làm được 5 lít nước sát khuẩn. Thời gian đầu khó khăn, anh lên mạng kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền mua vỏ can nhựa, bình xịt, còn chi phí mua hóa chất vận hành máy thì anh tự chi trả.
Thực hiện lời hứa đồng hành với TP cho đến khi hết dịch, Team 687 đã sản xuất hơn 25.000 lít nước sát khuẩn miễn phí cung cấp cho nhiều nơi như Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Đà Nẵng, chợ đầu mối Hòa Cầm, chợ Non Nước, nhiều khu vực dân cư bị phong tỏa và gần 300 trường học trên địa bàn TP. Nói về Dự án 687, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (Bệnh viện dã chiến Hòa Vang trong dịch Covid-19), khẳng định: "Chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng của bệnh nhân Mai Anh Đức đối với đội ngũ y - bác sĩ tại đây. Nghĩa cử này vừa tiếp thêm nguồn lực cho công tác chống dịch của bệnh viện vừa là nguồn động viên tinh thần cho các y - bác sĩ tiếp tục chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19, sớm đẩy lùi dịch bệnh".
Trong buổi lễ tri ân các cá nhân, tổ chức tiêu biểu đã đồng hành với TP trong thời gian chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng tình yêu Đà Nẵng trong đợt dịch vừa qua không chỉ là công sức của y - bác sĩ khắp các tỉnh, thành đã chi viện cho TP, sự đóng góp của các kiều bào nước ngoài, các doanh nghiệp mà còn là sự chung tay của đông đảo công dân của TP này.
Bình luận (0)