"Một xã mà có đến 2 nhà máy chế biến dăm giấy hoạt động gần kề nhau, máy chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm, không tài nào chợp mắt. Đã thế, gỗ dăm chất cao hàng chục mét, mỗi khi có gió lớn là bay tứ tung, rồi khói bụi và mùi hôi khiến chúng tôi thở không nổi". Đó là phản ánh của người dân xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) về Nhà máy Gỗ dăm của Công ty TNHH Cát Phú Quảng Bình và Nhà máy Chế biến xuất khẩu gỗ dăm Quảng Phú thuộc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt.
Bụi gỗ tấn công cả ngày lẫn đêm
Có mặt tại Nhà máy Chế biến xuất khẩu gỗ dăm Quảng Phú, chúng tôi ghi nhận cảnh gỗ dăm được chất thành đống cao như núi nhưng không có bạt che chắn. Mỗi khi có gió lớn thổi qua, bụi gỗ dăm bay tứ tung vào nhà dân và phả vào mặt người đi đường. Bên trong, nhiều xe tải chở gỗ với số lượng lớn ra vào thường xuyên; cạnh đó, những chiếc máy dăm gỗ đang hoạt động hết công suất, gây ra tiếng ồn khủng khiếp.
Nhà máy Dăm gỗ của Công ty Thanh Thành Đạt nhiều năm liền gây ra tình trạng ô nhiễm
Cách đó không xa là Nhà máy Gỗ dăm của Công ty TNHH Cát Phú Quảng Bình, diện tích rộng hơn 1 ha, gỗ dăm tại đây cũng chất thành đống. Mỗi khi chế biến, bột gỗ tạo ra một lượng bụi lớn, phát tán từ nhà máy theo hướng gió bay ra ngoài, phủ tràn lên khu dân cư. Không chỉ vậy, nước rỉ từ những bãi gỗ nguyên liệu tồn đọng lâu ngày bên trong 2 nhà máy thẩm thấu xuống lòng đất khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm nặng.
Anh L.H.H (30 tuổi, ngụ thôn Nam Lãnh) chỉ tay về phía 2 nhà máy, cho biết nhà mình cách nhà máy gỗ gần 200 m, vào thời điểm nắng nóng, do gió Nam thổi mạnh nên gỗ dăm phát tán ra không chỉ các nhà dân mà cả khu vực ruộng đồng xung quanh khiến nhiều người dân không thể canh tác. "Hè thì gió mang bụi tấp về dày đặc, người dân phải nhét dẻ, xốp hay quần áo cũ để che các ô thông gió. Cả giếng nước cũng phải che chắn nhưng bụi vẫn tấn công không tài nào thở được" - anh H. nói.
Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm trên, nhiều năm qua, người dân đã phản ánh tới các cấp chính quyền và các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn ngày càng trầm trọng hơn.
Xử phạt xong vẫn không khắc phục
Năm 2016, do ảnh hưởng của mưa lũ, nước chảy tràn, xâm nhập các bãi gỗ dăm gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Đến năm 2017, ảnh hưởng của bão số 10 làm nhiều diện tích cây nguyên liệu bị gãy đổ, việc thu mua nguyên liệu của 2 doanh nghiệp có sự gia tăng nhưng xuất khẩu gặp khó khăn, dẫn tới lượng dăm gỗ tồn đọng tại bãi chứa của 2 nhà máy rất lớn. Trong khi đó, nhà máy không có biện pháp che chắn, bảo vệ nên ô nhiễm trầm trọng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, thừa nhận phản ánh của người dân là có và cho biết UBND huyện Quảng Trạch đã từng xử phạt Công ty TNHH Cát Phú Quảng Bình và Công ty TNHH Thanh Thành Đạt mỗi đơn vị 35 triệu đồng vì để xảy ra ô nhiễm môi trường.
Theo ông Dũng, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế, Phòng TN-MT huyện Quảng Trạch và UBND xã Quảng Phú tiến hành kiểm tra 2 nhà máy. Kết quả cho thấy việc lưu chứa gỗ dăm tại sân bãi của 2 công ty này tồn đọng quá lớn, dăm gỗ phát tán ra bên ngoài và trong quá trình hoạt động còn phát sinh chất thải rắn nhưng không được thu gom, xử lý kịp thời. Ngoài ra, hệ thống thu gom, nước mưa chảy tràn ở bãi chứa dăm gây ứ đọng, mất vệ sinh và mỹ quan khu vực; vành đai cây xanh xung quanh hàng rào các nhà máy do bão làm gãy đổ vẫn chưa kịp thời trồng bổ sung...
"Sắp tới, địa phương sẽ tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của 2 nhà máy, nếu phát hiện có vi phạm hay tái hiện tình trạng ô nhiễm gây bức xúc cho người dân thì sẽ báo cáo các ban ngành chức năng để có biện pháp xử lý" - ông Dũng khẳng định.
Cần thực hiện đúng cam kết
Theo Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, sau khi nhận phản ánh của người dân xã Quảng Phú, sở đã nhiều lần yêu cầu 2 nhà máy nghiêm túc thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung cam kết, khẩn trương hạ thấp độ cao dăm gỗ tồn đọng trong bãi chứa ra các khu vực xung quanh của nhà máy. Đồng thời, xúc tiến việc tiêu thụ để hạn chế tồn đọng, về lâu dài không cho phép lượng gỗ chất đống cao như hiện nay để tránh tình trạng phát tán. Ngoài ra, sở yêu cầu nhà máy phải trồng cây xanh bao quanh hàng rào nhằm giảm thiểu và hạn chế tình trạng ô nhiễm.
Bình luận (0)