xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tác hại từ việc dùng mạng xã hội thiếu ý thức

Hạ Vy

Công nghệ thông tin phát triển mang đến nhiều tiện ích nhưng cũng ẩn chứa những tác hại nghiêm trọng nếu người dùng thiết bị thông minh lại không đủ… thông minh và tinh tế

Sự việc anh công an tìm cách đưa những em nhỏ hành nghề múa lửa về trụ sở cơ quan chức năng để làm việc nhưng lại bị đám đông vây quanh quay phim, chụp hình và ngăn cản tại khu vực trung tâm TP HCM mới đây khiến không ít người bức xúc.

"Lưỡi dao" vô hình

Từ lâu, nạn chăn dắt trẻ em để xin ăn, bóc lột sức lao động trên đường phố đã là câu chuyện nhức nhối. Nhiều trẻ bị đối tượng xấu lợi dụng thân xác, sự non nớt, không có khả năng tự vệ... để kiếm tiền.

Những kẻ vô lương tâm này bày ra nhiều hình thức hòng đánh vào lòng trắc ẩn của người đi đường. Trong khi họ hưởng lợi thì những mất mát của trẻ không gì có thể bù đắp được: tuổi thơ bị đánh cắp, không được chăm sóc và yêu thương; những tấm thân bé nhỏ đầy vết sẹo; bao di chấn về tinh thần, sự phát triển lệch lạc về tính cách khi thường xuyên phải chịu đựng bạo hành, nhiếc móc, mất niềm tin vào cuộc sống...

Không loại trừ khả năng những đứa trẻ thổi lửa ở phố đi bộ Nguyễn Huệ hôm ấy là nạn nhân của những kẻ kém nhân tính. Kể cả khi trẻ tự nguyện làm việc này để giúp đỡ gia đình, thậm chí là sở thích… thì đó vẫn là điều bất thường, cần được lưu tâm tìm hiểu khi các em đang ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", chưa được trang bị vốn sống và chưa đầy đủ nhận thức, năng lực hành vi...

Thế nhưng, nhiều người trong đám đông đã cho mình quyền "hành hiệp trượng nghĩa" một cách ngang ngược khi ngăn chặn người thi hành công vụ. Thay vì sáng suốt, bình tĩnh cùng nhìn nhận vấn đề và có hành xử phù hợp, họ lại hùa nhau quay phim, chụp ảnh, thậm chí ngăn cản.

Những cuộc livestream lúc ấy có thể thu hút đâu đó vài ngàn hay vài vạn người theo dõi. Chủ tài khoản mạng xã hội đó có thể "sướng" trong ít phút, hả hê vì mình có clip "hot". Thế nhưng, hành động của họ, về bản chất, cũng kém văn minh không kém những kẻ đày đọa trẻ làm trò vui hoặc kiếm tiền; cũng tàn nhẫn không thua gì những kẻ lạnh lùng, nhẫn tâm trước nỗi đau của các em.

Chiếc điện thoại thông minh trong tay những người nêu trên lúc ấy như "lưỡi dao" vô hình tiếp tay cho những điều tiêu cực lây lan, còn đâu đạo lý của người Việt "Thương người như thể thương thân"?

Tác hại từ việc dùng mạng xã hội thiếu ý thức - Ảnh 1.

Anh công an bị đám đông cản trở ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM. (Ảnh cắt từ clip)

Hãy chậm lại một giây!

Ngày nay, người dùng mạng xã hội có thể trở thành nguồn tin, thành "tòa soạn báo" di động với chiếc điện thoại trong tay và tinh thần "drama" trong suy nghĩ.

Gõ chữ "livestream" vào công cụ tìm kiếm Google, chưa đầy 1 giây đã có đến hơn 706 triệu kết quả! Đủ các thể loại danh xưng: "Chiến thần", "pháp sư" livestream... Livestream để bán hàng, livestream các vụ ẩu đả, đánh ghen... Kinh hoàng hơn, có trường hợp livestream cảnh lái xe máy mà không chạm vào tay lái của chính mình!

Các video cá nhân đưa lên tràn ngập mạng xã hội. Một số trong đó chuyển tải những thông điệp đẹp đẽ, nhân văn hay lựa chọn phong cách hài hước, gần gũi, đời thường, kể những câu chuyện bình dị để hấp dẫn người xem. Đáng tiếc là cũng có không ít người dùng mạng xã hội với mục đích hàng đầu là "câu view, câu like" để trục lợi, để kiếm sự nổi tiếng ảo.

Nhiều vụ việc đau lòng đã được đưa lên mạng xã hội, như: học sinh đánh hội đồng bạn học, phụ nữ đánh ghen xé quần áo, thanh niên ẩu đả gây thương tích... Thay vì tìm cách can ngăn để đôi bên bớt manh động hoặc liên hệ cơ quan chức năng nhằm ngăn cản vụ việc thì nhiều người vẫn thản nhiên livestream hoặc quay video để thỏa mãn sự hiếu kỳ của bản thân và của một số người khác.

Influencer (người gây ảnh hưởng) và các nhà sáng tạo nội dung ngày càng trở nên quan trọng đối với những công ty truyền thông xã hội như Meta hay TikTok. Họ tạo nguồn thu nhờ hình ảnh cá nhân, sức hút và độ bao phủ. Càng có nhiều follower (người theo dõi) thì họ càng khẳng định được vị thế của mình.

Do đó, những "ngôi sao" mạng xã hội này càng nên có ý thức về mỗi sản phẩm, thông điệp mà mình đưa ra. Bởi lẽ, mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội thực chất cũng là một tác giả đồng kiến tạo nên bức tranh chung của thế giới số. Hãy cư xử có trách nhiệm như một công dân tích cực của không gian ấy. Trước khi bấm máy quay, chụp hay chia sẻ bất kỳ nội dung nào, hãy nghĩ về lý do và mục đích của mình.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dùng cũng cần trang bị cho mình bản lĩnh và hiểu biết nhất định. Chúng ta có nên bấm nút theo dõi, dành thời gian cho những điều vô bổ, trái khoáy hay không? Sự nhanh nhảu trong một phút nào đó lướt trên màn hình của chúng ta rất có thể tạo ra bước ngoặt tốt đẹp hay vết xước ám ảnh đối với cuộc đời người khác.

Smartphone được tạo ra để phục vụ đời sống con người thêm tiện nghi, thuận lợi trong giao tiếp. Đừng để smartphone giành quyền điều khiển khiến người sử dụng chẳng khác nào người máy vô cảm, đánh mất các phạm trù đạo đức cơ bản.

Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với chuyện muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, bất chấp việc có thể gây ảnh hưởng đến người khác và cộng đồng.

Theo chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật - giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, với những thông tin hay đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, người dùng nên dành thời gian để suy nghĩ, kiểm chứng, tìm hiểu nguồn gốc trước khi đưa ra bình luận. Việc bình luận thiếu suy nghĩ không chỉ ảnh hưởng uy tín, hình ảnh bản thân mà còn có thể vi phạm pháp luật. Đã có nhiều bài học về vấn đề này.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên nhìn nhận từ góc độ đánh giá con người, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra tác động tích cực như động viên, khích lệ ai đó đạt được kết quả tốt đẹp hơn. Thế nhưng, việc này cũng có thể tạo ra phản ứng dây chuyền, dẫn đến những đánh giá phiến diện, thiếu khách quan. Khi bị chi phối bởi số đông, nhiều người không cần biết đúng sai trước những hành vi có thể gây nên hậu quả như vô tình tiếp tay cho cái ác, bị kẻ xấu lợi dụng.

"Trước khi nhận xét hay hành động điều gì, hãy dừng lại và suy nghĩ cẩn trọng. Đừng vội phán xét hay xúc phạm bất kỳ ai, dù là ngoài đời thực hay trên mạng xã hội" - ông Trần Trung Kiên nhìn nhận.

Anh Vũ ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo