Chuyên gia tâm lý BÙI QUANG MINH NHẬT, giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic:
Không được thỏa hiệp
Ăn xin và hành vi "chăn dắt" người để ăn xin tại TP HCM xuất hiện từ lâu và từng được các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý. Nhưng thời gian gần đây, dễ dàng bắt gặp nhiều hơn trẻ em, người già, thậm chí là những người còn lành lặn, khỏe mạnh đang trong độ tuổi lao động ăn xin tại các ngã tư đông người. Trong đó, có hoàn cảnh thực sự thương tâm cần sự trợ giúp nhưng còn đó rất nhiều trường hợp người ăn xin bị lợi dụng bởi các đối tượng "chăn dắt". Hình ảnh này lặp đi lặp lại làm xã hội dần quen, vô thức chấp nhận nó như là một phần của thực tế cuộc sống. Vì vậy, sự lên án, vạch trần một cách mạnh mẽ dường như đã giảm nhiệt.
Trong khi đó, những đối tượng "chăn dắt", xét về tâm lý hành vi, khi hành động xấu được củng cố liên tục mà không bị "trừng phạt" hoặc các chế tài chưa đủ sức răn đe thì các đối tượng lại tiếp tục duy trì. Những cá nhân bị "chăn dắt", bắt buộc ăn xin là nhóm người yếu thế, bị đàn áp cả về thể chất và tinh thần trong suốt thời gian dài, họ dễ nảy sinh tâm lý bất lực, cam chịu. Nhóm người này đa phần có hoàn cảnh khó khăn, không còn chỗ nương thân hoặc đã bị hành hung trong thời gian dài nên đành phải duy trì sự sống bằng cách chấp nhận. Tóm lại, hành vi "chăn dắt" người ăn xin là hành vi vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức, là một vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Đêm tối, người phụ nữ ôm đứa trẻ ngồi trên vỉa hè đợi quà từ những người làm từ thiện Ảnh: THIỆN AN
Để hạn chế và đi đến dứt điểm tình trạng này, cơ quan quản lý có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa. Đã có chế tài pháp luật liên quan đến hành vi chăn dắt, ép buộc trẻ em ăn xin, làm các công việc nặng nhọc nhằm trục lợi. Tuy nhiên, các chế tài cần quy định cụ thể hơn về hành vi "Chăn dắt người ăn xin để trục lợi" và tăng mức độ xử phạt lên mức cao hơn.
Đồng thời, các cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em, ngành lao động - thương binh - xã hội (LĐ-TB-XH) cần phối hợp với nhau, nắm bắt nhanh chóng tình hình trẻ em lang thang, người khuyết tật, người già ăn xin tại địa phương. Từ đó có những tác động mang tính hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, động viên, truyền thông, nâng đỡ về mặt tâm lý để họ tìm lại được sức mạnh, giá trị của bản thân, mạnh mẽ lên tiếng và tố giác tội phạm cũng như tìm kiếm một công việc khác sinh nhai, tránh để mình trở thành nạn nhân cho kẻ lợi dụng.
Ngoài ra, mỗi cá nhân không được thỏa hiệp với nạn này, cần lên án mạnh mẽ bằng nhiều hình thức từ trực tiếp đến việc tận dụng mạng xã hội. Lên tiếng phanh phui những đối tượng xấu cũng như nhanh chóng báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền. Đối với trẻ em bị chăn dắt, khi nhìn thấy có dấu hiệu hành hạ, sỉ nhục, chăn dắt trẻ em, gọi ngay cho tổng đài bảo vệ trẻ em 111. Có như thế thì tình trạng này sẽ không có cơ hội để tồn tại.
TS NGUYỄN NỮ NGUYỆT ANH, Trưởng Khoa Xã hội học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM):
Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm nạn chăn dắt
Ăn xin có ở hầu hết các nơi trên thế giới và cũng có nhiều trường hợp khác nhau. Rất khó để xác định những hậu quả mà người ăn xin gây ra cho xã hội nếu như nhóm đối tượng này chỉ dừng lại ở việc ăn xin mà không trực tiếp gây ảnh hưởng xấu đến người khác. Cái cần quan tâm hơn chính là nhiều trường hợp ăn xin thuộc các đường dây chăn dắt, trong đó trẻ em, người già, người khuyết tật bị biến thành công cụ kiếm tiền, lừa đảo bằng việc đánh thẳng vào lòng thương cảm hoặc quấy rầy, làm phiền không gian riêng tư của người khác. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng chức năng của từng địa phương cần thường xuyên theo dõi, quản lý, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Riêng đối với những cha mẹ sử dụng chính con đẻ của mình để hành nghề, cần có những chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ họ về kế sinh nhai, y tế, giáo dục…
Về phía người cho, không nên đánh đồng việc tặng tiền, tặng quà các đối tượng ăn xin là tiếp tay cho nạn chăn dắt bởi trong thực tế còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể cần đứng ra thực hiện công tác chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng này. Dĩ nhiên, những tổ chức này phải tạo được uy tín để người dân an tâm, tin tưởng tìm đến ủng hộ cho những người yếu thế trong xã hội.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Pháp luật nghiêm cấm hành vi dụ dỗ, lôi kéo người cao tuổi, trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi. Tùy tính chất, mức độ mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Trong đó, nếu đối tượng chăn dắt người cao tuổi và trẻ em đi xin ăn có hành vi đối xử tàn ác, bắt làm việc nặng nhọc, độc hại, đánh đập, gây thương tích… mà đủ yếu tố cấu thành có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng, như: Cố ý gây thương tích, làm nhục người khác; hành hạ người khác …
Tuy nhiên, để giải quyết gốc rễ vấn đề, cần những giải pháp đồng bộ để nâng cao điều kiện kinh tế - xã hội, chính sách an sinh tốt, hạn chế nạn thất nghiệp… cùng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự ủng hộ của người dân. Cần tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, đơn vị trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa. Đồng thời, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên, xử phạt, thu gom về các đơn vị bảo trợ để quản lý chứ không chờ đến các đợt ra quân mới thực hiện. Cuối cùng, các cơ quan chức năng, đoàn thể phải cùng phối hợp, thực hiện nghiêm túc, xử lý triệt để nạn chăn dắt ăn xin. Nếu để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn, người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-2
Bình luận (0)