Rạng sáng 30-7, tại Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, một xe đi rước dâu đã va chạm với xe container làm 10 người chết tại chỗ, 3 người tử vong trên đường đến bệnh viện. Chưa hết, 4 giờ sáng hôm sau, cũng tại Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, lại xảy ra 1 vụ tai nạn liên hoàn, khiến 1 người chết tại chỗ, ít nhất 4 người khác bị thương nặng. Đến 10 giờ sáng cùng ngày, trên Quốc lộ 20, đoạn qua địa phận thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), một xe khách 16 chỗ tông chết 1 người đi xe máy đang xin qua đường…Tai nạn dồn dập. Chết người liên tiếp trên các cung đường.
Chưa ai có thể thống kê được hết nỗi bất hạnh và tang thương do TNGT gây ra cho những gia đình nạn nhân. Nước mắt có thể cạn nhưng nỗi ám ảnh, hoang mang, lo lắng vẫn thường trực khi hàng ngày chúng ta và người thân phải tham gia giao thông. Nhiều tuyến đường quốc lộ không có dải phân cách để phân làn xe tải và xe thô sơ. Đường tuyến tránh Quốc lộ 1 cũng không có dải phân cách, trong khi đường quá hẹp, khi vượt nhau dễ dẫn đến tai nạn; chưa kể đường trơn trợt khi mưa, xuống cấp…Đó là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT theo nhiều người nhận xét. Bạn đọc Việt bình luận: "Đoạn đường này không có dải phân cách cứng nên hai xe đấu đầu. Không thể hiểu vì sao quốc lộ mà không có dải phân cách bằng bê tông". Đồng thuận với ý kiến này, bạn đọc Trần Xuân Minh phân tích: "Lắp đặt phân cách bằng bê tông sẽ giảm tai nạn giao thông nghiêm trọng như trên".
Theo một vị lãnh đạo ngành giao thông tại một tỉnh Nam Trung Bộ thì không thể lắp dải phân cách ở đường tránh vì nếu lắp, đường sẽ hẹp hơn, xe chạy cùng chiều không thể vượt được. "Muốn dựng dải phân cách giữa thì buộc phải mở rộng đường. Ít ra cũng phải bằng Quốc lộ 1 hiện nay. Tuy nhiên, như vậy thì tiền đâu mà làm?"- vị này giải thích. Còn ý kiến của các vị lãnh đạo ngành giao thông vận tải là theo quy định của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, những đoạn có đường cao tốc chạy song song thì sẽ không mở rộng tuyến tránh nữa. Với quy mô 4 làn xe, nếu tuyến chính có 2 làn xe rồi thì tuyến tránh cũng sẽ làm 2 làn. Đây là chủ trương chung. Ngoài ra, mặt đường phải rộng từ 16,5 m trở lên mới được lắp dải phân cách...
Bạn đọc NXM đau đáu một câu hỏi: "Những vụ tai nạn quá thảm khốc và đau lòng. Chúng ta không thể đổ cho hoàn cảnh khách quan, rồi vướng quy định, thiếu kinh phí...Nhà nước phải có cách nào hạn chế đến mức thấp nhất, kể cả việc tốn nhiều kinh phí, bởi trên tất cả vẫn là tính mạng con người".
Nhiều bạn đọc đề xuất lắp camera trên tất cả các tuyến đường, xử phạt thật nặng những xe lấn tuyến vượt nhanh, cả ngày lẫn đêm; mở rộng các tuyến đường, lắp đặt dải phân cách cứng... Tiền mở đường, lắp camera, người giám sát... sẽ rất tốn kém nhưng vẫn có thể làm được nếu tiết kiệm chi tiêu từ những việc chưa cần thiết khác và vận động xã hội hóa...
"Mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT). Mỗi ngày có 25 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ về nữa. Bao giờ mới có thể làm giảm số người tử nạn vì TNGT được so sánh là khủng khiếp hơn số người chết trong một cuộc chiến tranh? Cần thực hiện ngay lập tức và hành động thật quyết liệt để mỗi ngày chúng ta không phải rùng mình và thảng thốt vì những tai nạn thương tâm trên đường"- bạn đọc Bien gioi đề xuất..
Bình luận (0)