Thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận rất nhiều phản ánh của người lao động (NLĐ) về việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) bỏ rơi sau khi bị tai nạn lao động (TNLĐ). “Tôi bị TNLĐ, công ty không bồi thường mà chỉ nhận lại làm việc. Thực tế, công ty cũng nhận lại làm việc nhưng chỉ một thời gian ngắn thì cho nghỉ. Sức khỏe giảm sút, không tìm được việc làm mới, gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn” - ông Trần Minh Trí (ngụ xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) trình bày.
Sơ sẩy là tàn phế
Theo ông Trí, tháng 5-2005, ông vào làm việc tại Công ty TNHH Thép Nguyễn Minh (nay là Công ty CP Sản xuất Thép Vina One ở xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Đến tháng 6-2005, ông bị TNLĐ phải cắt bỏ bàn tay phải. Trong quá trình điều trị, công ty cử người đến thỏa thuận sẽ không bồi thường nhưng bảo đảm việc làm cho đến hết tuổi lao động. Sau khi vết thương tạm ổn, ông được bố trí công việc. Bất ngờ, vào tháng 3-2014, công ty cho ông nghỉ việc.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Minh, Phạm Long Hải cùng làm việc tại Công ty TNHH MTV Công trình đô thị TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Trong quá trình làm việc, ông Minh bị rơi từ nóc nhà xuống đất gãy tay phải, ông Hải đang làm việc trên xe cẩu thì bất ngờ bị lật, gãy cả hai tay.
Còn trường hợp của ông Nguyễn Hữu Phi (ngụ xã An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bi đát hơn. “Tháng 10-2014, tôi làm việc cho một công trình xây dựng ở quận Tân Bình, TP HCM. Trong khi làm việc, tôi ngã từ trên cao xuống đất nên bị chấn thương đầu, cột sống, ngực; dập phổi phải; liệt hai chân... Là lao động chính của gia đình, sau khi bị TNLĐ, tôi trở thành người tàn phế. Mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người cha đã lớn tuổi” - ông Phi rưng rưng nước mắt.
Một nạn nhân gián tiếp của TNLĐ, chị Hồ Thị Thanh Tuyền (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết: “TNLĐ đã cướp đi sinh mạng của chồng tôi, trong khi nghề nghiệp của tôi không ổn định, phải nuôi 3 con nhỏ. Công ty TNHH MTV Nga Nguyễn (quận 8, TP HCM), nơi chồng tôi làm việc, không bồi thường, đã đẩy gia đình tôi vào nghịch cảnh”.
Vi phạm an toàn lao động
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Phòng An toàn lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, nguyên nhân xảy ra TNLĐ là do vi phạm những quy tắc về ATLĐ. Đối với TNLĐ chết người và bị thương nặng từ 2 người trở lên thì trách nhiệm của NSDLĐ là phải khai báo với thanh tra Sở LĐ-TB-XH để điều tra. Nếu xảy ra TNLĐ nhẹ và làm bị thương nặng một người thì doanh nghiệp phải tự tổ chức điều tra. Cơ quan có thẩm quyền phải phân tích rõ nguyên nhân gây nên TNLĐ để đưa ra biện pháp phòng ngừa.
Pháp luật hiện hành quy định rất rõ: Cơ quan thanh tra có quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu lỗi do NSDLĐ hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự khi xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện lỗi của NLĐ thì NLĐ được NSDLĐ hỗ trợ; nếu lỗi của NSDLĐ thì NSDLĐ phải bồi thường cho NLĐ. Khi xảy ra TNLĐ, NSDLĐ phải có trách nhiệm điều trị cho NLĐ. Nếu NSDLĐ không trả chi phí điều trị cho NLĐ thì NLĐ có quyền khiếu nại đến các cơ quan chức năng hoặc thanh tra sở LĐ-TB-XH.
Năm 2014, TP HCM xảy ra 102 vụ TNLĐ, trong đó thanh tra đã đề nghị khởi tố 9 vụ. Từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra 90 vụ TNLĐ, đề nghị khởi tố 5 vụ.
Bình luận (0)