xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TẬN DỤNG DÂN SỐ VÀNG ĐỂ PHÁT TRIỂN (*): Thách thức già hóa dân số ở ĐBSCL

CA LINH

Tốc độ tăng dân số thấp, số lượng người xuất cư cao dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động,… là những vấn đề lớn mà các tỉnh, thành ĐBSCL phải giải quyết

Trong vòng 10 năm, dân số của vùng ĐBSCL gần như không thay đổi đáng kể, trong khi tỉ trọng dân số ngày càng giảm dần.

Dân số không biến động trong 10 năm

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở, dân số vùng ĐBSCL vào thời điểm 1-4-2019 là 17,3 triệu người, không có sự thay đổi đáng kể nào so với mức 17,2 triệu người vào 10 năm trước đó. Xem xét biến động dân số giữa các vùng miền trong giai đoạn 2009 - 2019, trong khi Đông Nam Bộ là khu vực có sự tích tụ dân cư lớn nhất thì ĐBSCL cùng với Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là những khu vực có tỉ trọng dân số ngày càng giảm dần.

Báo cáo "Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nghiên cứu, cũng chỉ rõ trong giai đoạn 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng dân số của vùng ĐBSCL chỉ đạt 0,1%/năm, trong khi tốc độ chung của cả nước là 1,1%. Ngay cả vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cũng có tốc độ tăng dân số trung bình cao hơn ĐBSCL, 0,7% mỗi năm.

Theo báo cáo trên, tốc độ tăng trưởng dân số của vùng ĐBSCL thấp là do ảnh hưởng 3 yếu tố: Thứ nhất, tăng trưởng dân số tự nhiên giai đoạn 2008 - 2018 của vùng thấp nhất cả nước (8,2%, tương đương 1,41 triệu dân). Nguyên nhân chủ yếu do tỉ lệ sinh thô hằng năm luôn ở mức thấp nhất, tỉ lệ chết thô luôn ở mức cao nhất cả nước. Hai yếu tố khác là tỉ lệ nhập cư thấp nhất trong khi tỉ lệ xuất cư lại cao nhất cả nước.

TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu - chỉ rõ thêm, mặc dù mức tăng dân số tự nhiên và nhập cư của vùng ĐBSCL thấp nhất cả nước nhưng cả hai yếu tố này có xu hướng ngày càng giảm mạnh. Ngoài ra, số lượng người di cư khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Nếu tình trạng di dân tiếp tục như hiện nay thì đến năm 2030, dân số của vùng còn chưa đến 17 triệu người. "Số người di cư cao như vậy phản ánh kinh tế vùng ĐBSCL đang suy giảm, kém hấp dẫn hơn vùng Đông Nam Bộ. Điều này dẫn đến dòng người di cư khỏi ĐBSCL để tìm kiếm sinh kế tốt hơn. Đây là một quy luật tất yếu" - TS Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Lo ngại mức sinh thấp

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, trong năm 2022, dân số của thành phố này là 1.291.242 người, chỉ tăng 34.309 người so với năm 2016.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, cho hay Cần Thơ là một trong những tỉnh, thành có mức sinh thấp, tỉ suất sinh chỉ đạt 1,68 con/phụ nữ vào năm 2021, thấp hơn nhiều so với tỉ suất sinh thay thế của cả nước là 2,1. Vì vậy, khi triển khai Chương trình số 30 của Thành ủy Cần Thơ, thực hiện theo Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Công tác dân số trong tình hình mới" thì tất cả các chỉ tiêu thành phố giao hằng năm đều đạt, trừ chỉ tiêu mức sinh thay thế.

Thời điểm từ năm 2021 trở về trước, Cần Thơ được giao chỉ tiêu giảm sinh và thực hiện mô hình "mỗi xã, phường, thị trấn không có người sinh thêm con thứ 3 trở lên". Đến năm 2022 thì địa phương này có 81/83 xã, phường, thị trấn thực hiện đạt mô hình trên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Cần Thơ được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giao chỉ tiêu điều chỉnh mức sinh tăng 0,2/‰ và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã xây dựng mô hình "xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ 2 con" nhằm phấn đấu đạt mức sinh thay thế. Để thực hiện mô hình điều chỉnh này là không đơn giản. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Đảnh nói: "Vận động một số cặp vợ chồng đã có 1 con sinh thêm con thứ 2 còn khó hơn vận động không sinh thêm con thứ 3 so với thời điểm trước. Nhiều cặp vợ chồng không chịu sinh thêm con vì lý do điều kiện kinh tế khó khăn hoặc nhiều công nhân ngại sinh sẽ mất việc, do nhu cầu về học hành của trẻ cũng cao nếu điều kiện kinh tế không bảo đảm họ ngán ngại có thêm con và nhiều lý do khác".

Không chỉ Cần Thơ mà nhiều địa phương ở ĐBSCL, trong đó có tỉnh Hậu Giang cũng đang đối mặt với bài toán nâng mức sinh.

Các báo cáo chỉ rõ tổng tỉ suất sinh của tỉnh Hậu Giang giảm qua hằng năm, năm 2022 đạt 1,44, thấp hơn mức 1,59 vào năm 2017. Bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hậu Giang, nói: "Chưa có nghiên cứu chính thức vì sao mức sinh thay thế của tỉnh thấp nhưng khi đi giám sát ở một số địa phương thì thấy có nhiều nguyên nhân như: điều kiện kinh tế, kết hôn muộn, nhiều cán bộ, công chức dành thời gian học nâng cao để thăng tiến trong công việc nên ngại sinh con…".

Sau 5 năm thực hiện Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020, công tác dân số của tỉnh này đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, theo số liệu thống kế, năm 2019, Vĩnh Long đứng thứ 2 của vùng (sau Bến Tre) và đứng hàng thứ 4 cả nước (sau Thái Bình, Bến Tre và Nam Định) về già hóa dân số. Tổng tỉ suất sinh của tỉnh này cũng có chiều hướng giảm, từ 2,03 vào năm 2016 xuống còn 1,81 con/phụ nữ năm 2019.

TẬN DỤNG DÂN SỐ VÀNG ĐỂ PHÁT TRIỂN (*): Thách thức già hóa dân số ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Cán bộ chuyên trách dân số của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ xuống các địa phương tư vấn về kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Ảnh: NGỌC TRINH

Nhiều mô hình, giải pháp khuyến sinh

Để thực hiện mục tiêu tăng sinh, tiến đến đạt và duy trì mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ đến năm 2030, tỉnh Hậu Giang áp dụng chính sách khuyến sinh theo Nghị quyết quy định một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh, được HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua năm 2022.

Theo nghị quyết này, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi được hỗ trợ 1,5 triệu đồng viện phí; hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế hiện hành tại các cơ sở y tế công lập. Đối với tập thể, mỗi xã/phường/thị trấn được thưởng 15 triệu đồng nếu 3 năm liền đạt và vượt tỉ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con; 5 năm liền thì được thưởng 25 triệu đồng.

Nhằm nâng mức sinh và nâng cao chất lượng dân số, cùng với mô hình "xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ 2 con", Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp như: sàng lọc trước sinh, sau sinh; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh… "Điều đặc biệt là từ năm 2019 đến nay, Cần Thơ không còn thực hiện chỉ tiêu đình sản; đưa ra thông điệp "mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con" thay thế cho thông điệp trước đây là "mỗi cặp vợ chồng nên sinh từ 1-2 con" - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Đảnh thông tin.

Các giải pháp dù còn mang tính động viên là chính nhưng qua đó thể hiện quyết tâm của các địa phương vùng ĐBSCL trong công tác dân số, từng bước thay đổi về chất lượng dân số, khắc phục sự khuyết lệch mức sinh để cùng cả nước bảo đảm cơ cấu dân số vàng cho giai đoạn 2025 - 2030.

Khó cải thiện tốc độ tăng dân số

Theo VCCI, ước tính số di cư ròng trong năm 2020 của ĐBSCL vào khoảng 60.000 người, giảm nhiều so với con số 147.000 vào năm 2019. Xu hướng di cư này tiếp tục chậm lại, thậm chí xảy ra tình trạng di cư ngược về lại ĐBSCL trong năm 2021 do tình hình dịch COVID-19.

Tuy nhiên, một khi chênh lệch lớn về mức sống và cơ hội việc làm giữa hai vùng Đông và Tây Nam Bộ vẫn tồn tại thì làn sóng di cư ròng ở ĐBSCL sẽ tiếp diễn. Điều này càng khiến tốc độ tăng dân số của vùng ĐBSCL khó có nhiều cải thiện.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-4.

Kỳ tới: Khuyến sinh để giữ dân số vàng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo