Chi phí sinh hoạt cao cộng với những lo lắng về an sinh xã hội, môi trường sống đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các cặp vợ chồng trẻ sống ở thành phố đang có ý định muốn sinh thêm con. Rất nhiều bà mẹ trẻ ở thành thị mắc kẹt giữa việc làm - nuôi dạy con nên luôn trì hoãn việc sinh con. Điều này thấy rõ qua bức tranh dân số của TP HCM.
Nguy cơ già hóa dân số
Vợ chồng chị Nguyễn Thanh Phúc (28 tuổi; ngụ quận 3, TP HCM) kết hôn đã hơn 2 năm nhưng vẫn chần chừ chưa muốn sinh. Chị bộc bạch: "Vợ chồng tôi từ tỉnh lên thành phố. Chúng tôi cố gắng dành dụm, vài năm nữa mua được nhà mới tính chuyện sinh con. Còn nếu bây giờ sinh con, áp lực về kinh tế sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân".
Anh Hoàng Văn Tình (34 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho rằng trải qua giai đoạn dịch COVID-19, công việc không ổn định, lương giảm, trong khi giá cả mọi thứ ngày càng tăng khiến anh không dám nghĩ tới việc sinh thêm con thứ hai. "Khi kinh tế không ổn định thì đời sống hôn nhân dễ xảy ra lục đục. Đặc biệt, nuôi một đứa trẻ không đơn giản, chưa kể lúc con ốm đau, vợ chồng phải thay nhau xin nghỉ việc ở nhà chăm sóc. Bản thân tôi và vợ cũng muốn sinh thêm con nhưng điều kiện tài chính chưa cho phép" - anh Tình nói.
Không chỉ những người đã lập gia đình, nhiều phụ nữ trẻ đang làm việc tại TP HCM rất ngại kết hôn và sinh con với lý do muốn thăng tiến trong sự nghiệp hoặc do nuôi con quá vất vả.
Chị Nguyễn Thị Ly (30 tuổi, ngụ quận 3) cho rằng không quan trọng việc đến tuổi phải lấy chồng như nhiều người nghĩ. Bởi theo chị, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phụ nữ hay đàn ông đều bình đẳng, đều đi làm kiếm tiền. "Khi quyết định kết hôn, tôi nghĩ cần phải ổn định kinh tế. Tức là mức thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, đặc biệt là khi có con, mình có thể bảo đảm tốt nhất cho con về mọi mặt - từ sức khỏe, giáo dục đến vui chơi" - chị Ly bày tỏ.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nhìn nhận xu hướng trì hoãn sinh con là một trong những nguyên nhân khiến tỉ suất sinh ở TP HCM thấp hơn so với tỉ suất sinh thay thế của cả nước.
Thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM cho thấy tỉ suất sinh của thành phố là 1,39 con/phụ nữ. Con số này tăng so với năm 2017 (1,35) nhưng lại giảm so với năm 2021 (1,48) và ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước hiện nay là 2,1. TP HCM đang là một trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước, cùng với Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cảnh báo mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số của thành phố trong tương lai. Đó là tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. "Mức sinh thấp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội".
Trong chiến lược phát triển dân số TP HCM giai đoạn 2025-2030, ngành dân số thành phố đề xuất nhiều giải pháp khuyến sinh
Áp lực về tài chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ chưa muốn sinh con hoặc ngại sinh con thứ hai
Nhiều giải pháp khuyến sinh
Theo ông Phạm Chánh Trung, đang có xu hướng phụ nữ kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn mà chỉ muốn làm mẹ đơn thân. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người khá giả, có điều kiện chăm sóc trẻ nhưng ngại sinh con, trong khi người có mức sống trung bình, điều kiện tài chính còn khó khăn xem việc có con là một áp lực lớn. "Thách thức lớn nhất là làm thế nào tạo một môi trường sống tốt nhất cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con" - ông Trung nói.
Theo ông Trung, trong quá trình thực hiện các biện pháp khuyến sinh, ngành dân số gặp nhiều khó khăn vì việc khuyến sinh phải gắn liền với các chính sách và quan trọng nhất là phải xuất phát từ nhu cầu, điều kiện kinh tế của người dân, cũng như sự hỗ trợ của toàn xã hội cho việc chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng.
"Ngành dân số đang bắt đầu từ hoạt động cơ bản nhất là truyền thông, truyền tải các thông điệp về mức sinh thấp, những hệ lụy của nó đến người dân, để mọi người hiểu hơn về vấn đề mức sinh thấp và trả lời cho câu hỏi tại sao dân số đã đông mà vẫn tiếp tục khuyến sinh. Song song đó, chúng tôi cũng tổ chức các hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp nâng mức sinh phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội của TP HCM và nguyện vọng chính đáng của người dân" - ông Trung nhấn mạnh.
Việc nâng mức sinh lên bằng mức sinh thay thế là một quá trình dài mà không phải quốc gia nào cũng có thể làm được như Việt Nam. Mặc dù vẫn còn thấp so với cả nước nhưng tín hiệu tích cực là mức sinh bình quân của TP HCM có chiều hướng tăng nhẹ trong những năm qua, từ 1,35 vào năm 2017 lên 1,39 vào năm 2022.
Thực hiện mục tiêu khuyến sinh, từng bước đưa tỉ suất sinh về bằng tỉ suất sinh thay thế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM đang tham mưu cho Sở Y tế xây dựng dự thảo về chính sách dân số tại TP HCM đến năm 2030, trong đó đề xuất hàng loạt giải pháp khuyến sinh, như hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; hỗ trợ viện phí cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí BHYT thanh toán); hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn… Dự thảo chính sách này dự kiến trình HĐND TP HCM tại kỳ họp giữa năm 2023.
Về lâu dài, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM kiến nghị trong chiến lược phát triển dân số Việt Nam ở giai đoạn tới, cần đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ toàn diện cho các cặp vợ chồng an tâm sinh con và nuôi dạy con, như hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục, miễn giảm học phí, thay đổi hình thức - thời gian trông trẻ mầm non - mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản…
Chung tay hỗ trợ phụ nữ khó khăn sau khi sinh
Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) tổ chức chương trình "Mầm sống". Chương trình này ra đời từ trăn trở của ngành y tế, khi mức sinh tại TP HCM hiện nay quá thấp. Mục đích của chương trình là tôn vinh thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết ngày nay, nhiều phụ nữ trẻ "quên đẻ" và "quên" thiên chức làm mẹ, đồng thời đánh mất thời gian sinh, trong khi tuổi sinh tốt nhất của phụ nữ là 18 - 35. Điều này dẫn đến tiến trình già hóa dân số, khiến tăng chi phí điều trị, tác động lớn đến kinh tế - xã hội...
Theo bác sĩ Tuyết, sinh nở là thể hiện trách nhiệm của phụ nữ đối với gia đình, xã hội, đất nước. Hằng năm, tại Bệnh viện Hùng Vương có khoảng 100 trẻ bị mẹ bỏ rơi sau khi sinh. Chương trình trên cũng nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ những phụ nữ khó khăn sau khi sinh để họ không bỏ rơi con.
Bình luận (0)