Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC), lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp (DN). Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực DN theo quy định.
Thủ tướng cũng cho biết ngân sách đã tiết kiệm được 560.000 tỉ đồng để dành cho việc tăng tiền lương, đủ để cải cách tiền lương trong 3 năm, từ 2024-2026.
Đây là tin vui đối với rất nhiều CB-CC-VC đang phục vụ, làm việc trong bộ máy của các cơ quan nhà nước.
Việc cải cách tiền lương chắc chắn sẽ trở thành hiện thực khi Chính phủ tỏ rõ quyết tâm phải cải cách, không thể tiếp tục "trễ hẹn" bởi "thời điểm đã chín muồi".
Trong phiên thảo luận về cải cách tiền lương vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết việc tăng lương mới đây chủ yếu là bù trượt giá chứ chưa phải cải cách. Đến thời điểm này thì không cải cách không được, đầu tư cho cải cách tiền lương là đầu tư cho phát triển.
"Có thực mới vực được đạo", CB-CC-VC cần phải sống được bằng tiền lương; thu nhập hằng tháng phải tương xứng với công sức lao động, trí tuệ, chất xám đã bỏ ra. Thậm chí, thu nhập từ tiền lương của CB-CC-VC không chỉ nuôi chính bản thân mà còn có thể nuôi gia đình họ. Đó cũng là điều cần nghiên cứu, suy ngẫm.
Tuy nhiên, tăng lương, cải cách tiền lương cũng cần phải song song với việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, chất lượng phục vụ công của mỗi CB-CC-VC. Bởi lẽ, nguồn tiền để cải cách tiền lương là từ ngân sách nhà nước do người dân và doanh nghiệp đóng góp thông qua nộp thuế, phí.
Đối với một bộ phận CB-CC-VC yếu kém về trình độ nghiệp vụ chuyên môn, cần xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế nhằm kịp thời tuyển dụng, bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CC-VC. Ngoài ra, mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực phải nhanh chóng bị xử lý nghiêm minh.
Bình luận (0)