Từ khi Nghị định 36/1996/NĐ-CP ra đời đến nay, đã có hàng chục nghị định về việc lập lại trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Trong đó, việc tăng mức phạt luôn được đề ra với mong muốn TTATGT sẽ ngày càng tốt lên.
Thế nhưng, tình hình vẫn không được cải thiện, trái lại ùn tắc và tai nạn vẫn diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề nan giải này, cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng mạnh chế tài xử phạt.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một sự thật là tình hình TTATGT hiện nay là hậu quả của một thời gian dài buông lỏng quản lý trên rất nhiều lĩnh vực, dẫn đến việc sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện, xử lý vi phạm TTATGT... đều có vấn đề. Nếu vậy, tăng mức phạt có giải quyết được TTATGT? Hơn nữa, tăng bao nhiêu là đủ, thấp thế nào là vừa? Cần lấy ý kiến các nhà chuyên môn (và cả người dân) am hiểu về luật và tâm sinh lý con người; cũng như phải có đức, có tâm, có tầm, có tài, có tấm lòng nhân đạo và phải từ thực tế để xây dựng mức phạt phù hợp với trình độ dân trí, mặt bằng thu nhập xã hội; đáp ứng các tiêu chí người vi phạm chịu đựng được, cách đóng phạt dễ dàng và không bị lợi dụng (mãi lộ).
Suy cho cùng, ai cũng có lúc không đúng, nhất là những người không rành đường hoặc am hiểu luật pháp còn hạn chế. Để lập lại TTATGT căn cơ, bền vững, lâu dài, nên lấy sự nhắc nhở làm trung tâm. Cụ thể, thành lập các đội quy tắc đô thị nhằm kịp thời phát hiện vi phạm và nhắc nhở. Nếu người vi phạm không thay đổi sẽ báo lực lượng thực thi pháp luật đến xử lý, phạt nặng - nhẹ tùy mức độ.
Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân song chủ yếu là không nhường nhịn nhau, ai cũng muốn đi trước, về lâu thành thói quen khó bỏ. Với tai nạn giao thông, hành vi phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, lấn trái... là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất.
Các nguyên nhân trên đều do trình độ dân trí chưa đủ, ý thức cộng đồng còn kém, kéo theo người muốn chấp hành cũng khó, dẫn đến cái sai số đông rất khó chữa trị. Muốn lập lại TTATGT, hãy bám sát và giải quyết cho được những nguyên nhân này.
Bình luận (0)