Trong kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Bùi Xuân Cường đề nghị HĐND TP có thể xem xét tăng mức phạt vi phạm giao thông ở khu vực nội thành lên gấp đôi so với hiện nay để tăng sự răn đe. "Điều này đã được cho phép trong Luật Xử phạt hành chính và không cần phải áp dụng cơ chế đặc thù, TP vẫn có thể quyết định. Sở đã có dự thảo văn bản và UBND TP đang giao Sở Tư pháp và Công an TP góp ý" - ông Cường nói.
Trong dự thảo về đề xuất nêu trên, ngoài các vi phạm trong quy tắc tham gia giao thông (dừng xe không sát lề đường, dừng xe nơi có biển cấm; đi ngược chiều, đi vào đường cấm; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông hoặc của người hướng dẫn, kiểm soát giao thông...), 2 nhóm hành vi khác cũng sẽ bị xử phạt gấp đôi là vi phạm về thi công công trình đường bộ và vi phạm về vệ sinh môi trường (không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở đường hẹp; không thu dọn biển báo, rào chắn; xả rác...).
Một đối tượng vi phạm an toàn giao thông và chống đối, bị lực lượng CSGT khống chế. Ảnh: Tuấn Minh
Với đề xuất này, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết theo điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Chính phủ không còn quyền quy định mức phạt dành riêng đối với vi phạm giao thông tại nội thành của các TP trực thuộc trung ương. Quốc hội trao quyền cho HĐND TP trực thuộc trung ương quyết định, ban hành khung tiền phạt và mức tiền phạt nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm.
Từ thực tế tại TP HCM, LS Hậu đánh giá các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, lấn tuyến, chạy ngược chiều, dừng xe không đúng quy định..., diễn ra rất phổ biến nhưng mức phạt và các chế tài xử lý lại chưa đủ sức răn đe. Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ giúp hạn chế các hành vi nêu trên, góp phần kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, khi thực hiện biện pháp này, TP phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch, công khai số tiền thu được và sử dụng số tiền đó vào những lĩnh vực nào. Đồng thời, để nâng cao ý thức người tham gia giao thông, TP cũng nên thực hiện các biện pháp để khuyến khích người dân chấp hành luật giao thông. Ví dụ, nếu tuân thủ luật giao thông trong nhiều năm thì được cấp thẻ riêng với một số quyền ưu tiên khi tham gia giao thông. Ngược lại, vi phạm nhiều lần, nếu là cán bộ, đảng viên thì có thể gửi hồ sơ vi phạm đến các cơ quan, đơn vị mà đối tượng đang công tác để xếp hạng thi đua; với người dân bình thường có thể áp dụng biện pháp hạn chế một số quyền lợi khi tham gia giao thông cũng như khi làm các thủ tục hành chính, chính sách...
"Phải có chế tài mạnh mới có thể hạn chế được tình trạng vi phạm giao thông đang rất phổ biến hiện nay. Lỗi nhẹ nếu xử ngay và nghiêm khắc thì lỗi nặng cũng sẽ được hạn chế" - LS Hậu nêu ý kiến.
Trong khi đó, theo ý kiến một số tài xế, việc nâng mức phạt để tăng sức răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông là cần thiết nhưng nên khảo sát, đánh giá theo từng nhóm đối tượng với hành vi vi phạm và khả năng tác động của hành vi đó nếu gây ra tai nạn, ùn tắc giao thông.
"Hiện nay, nhiều tuyến đường khu trung tâm TP quá hẹp lại đông xe, các phương tiện, nhất là xe máy thường xuyên phải leo lề, lấn tuyến mới có thể lưu thông. Thực trạng trên một phần do cơ sở hạ tầng hạn chế, dẫn đến việc nếu tăng mức phạt lên gấp đôi, người dân sẽ phản ứng. Chưa kể, thực trạng trên diễn ra quá phổ biến, liệu lực lượng chức năng có thể xử phạt hết hay chỉ làm được chỗ này mất chỗ khác? Vì vậy, phải phân ra từng khu vực, nhóm hành vi cũng như đối tượng để xử phạt" - anh Nguyễn Mạnh Toàn (tài xế ô tô 7 chỗ, ngụ quận 3) nói.
Bình luận (0)