Đúng 1 tháng sau vụ tai nạn chìm tàu kinh hoàng trên vùng biển DK1- Trường Sa, những ngư dân may mắn sống sót trên chiếc tàu BTh 97478 TS vẫn nhớ như in khoảnh khắc sinh tử trên biển cả mênh mông.
Chúng tôi đã trở về
Anh Nguyễn Thành La, 1 trong 9 người còn sống trở về, bồi hồi nhớ lại giây phút lênh đênh trên biển. Sau khi 15 ngư dân nhảy khỏi con tàu đắm, chia nhau ra 2 thúng, anh La chung chiếc thúng với thuyền trưởng Bùi Văn Toàn và 6 ngư dân khác. Trụ được vài ngày thì hết mì tôm cùng nước dự trữ.
"Khi không còn gì để ăn, uống, chúng tôi phải lấy ni-lông canh con nước để lùa cá, mực vào; dùng mặt kính đồng hồ đeo tay làm dao để cắt. Cá không thể bắt được nhiều nên anh em phải để dành, chia nhau từng lát nhỏ. Còn nước uống thì chúng tôi đón nước mưa, hứng vào chai nhựa để dành" - anh La kể lại.
Khoảng 10 phút trước khi tàu BTh 97478 TS chìm hẳn trước sóng dữ vào rạng sáng 10-7, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn, người được mệnh danh là "sói biển" đã bình tĩnh triển khai những việc khẩn cấp nhất có thể. Màn đêm vừa buông xuống cũng là lúc sóng đánh liên tiếp vào mạn thuyền, ông Toàn chỉ huy ngư dân liên tục tát nước khỏi thuyền. Đến lúc không thể níu giữ được con tàu, thuyền trưởng quyết định cho anh em rời tàu. Trước khi là người cuối cùng rời đi, thuyền trưởng đã lục tìm mì tôm, một ít nước chia cho 2 thúng.
Nhớ về hành trình kinh hoàng, ông Toàn ngậm ngùi thương tiếc những người mãi mãi nằm lại ngoài biển khơi. "Chúng tôi đã trở về, không đủ 15 người như ban đầu. Chúng tôi là anh em với nhau nên sự mất mát khiến ai cũng đau đớn" - thuyền trưởng Toàn rưng rưng.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (thứ ba từ trái qua), cùng đoàn công tác thăm hỏi, động viên các ngư dân Ảnh: Quang Liêm
Niềm động viên to lớn
Sẻ chia trước những mất mát, khó khăn mà các ngư dân trên con tàu BTh 97478 TS vừa trải qua, ngày 10-8, Báo Người Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận, Chi cục Thủy sản và Trạm Kiểm ngư đã đến thăm, động viên gia đình các ngư dân.
Tại nhà anh Nguyễn Thành La, không khí đau thương vẫn bao trùm. Trong số 6 người ra đi vĩnh viễn sau vụ chìm tàu, có người anh cả Nguyễn Thành Lãng của anh La và người chú ruột Nguyễn Thành Lương.
Thắp nén nhang trước bàn thờ anh Lãng, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Bùi Thanh Liêm chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm động trước nghị lực của các ngư dân. Hành trình hơn 10 ngày trên biển chỉ với chiếc thúng chai giữa những cơn sóng dữ thật sự phi thường, khẳng định bản lĩnh của ngư dân Việt Nam. Các anh đã luôn kiên cường, vững chãi trước mọi khó khăn, thách thức để giữ gìn truyền thống vươn khơi bám biển của cha ông".
Dịp này, đoàn công tác đã trao 15 phần quà cho gia đình 15 ngư dân trên con tàu BTh 97478 TS (mỗi phần quà 5 triệu đồng). Đây là số tiền được trích từ nguồn quỹ Trái tim miền Trung do Báo Người Lao Động khởi xướng.
Nhận được số tiền hỗ trợ, ông Trần Theo, một trong 9 ngư dân sống sót trở về, xúc động: "Đây là niềm động viên to lớn, tiếp thêm nghị lực để chúng tôi sớm quay trở lại biển khơi. Chúng tôi là những ngư dân nối tiếp cha ông vươn khơi bám biển, gắn bó với biển để sống và thỏa đam mê. Chúng tôi tin rằng biển bao đời che chở cho bà con, mình giữ niềm tin với biển thì sẽ không khó khăn gì ngăn cản".
Ngay trong ngày 10-8, ông Nguyễn Thanh Là (cha ruột của anh Nguyễn Thành La) dù đã hơn 60 tuổi, đã ra khơi. Người con út trong gia đình là Nguyễn Thành Lý cũng cùng theo cha. Đây là minh chứng cho quyết tâm, bản lĩnh của ngư dân Việt Nam, mạnh mẽ vượt khó để đạp sóng, vươn khơi trên những con tàu là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
6 người nằm lại giữa lòng biển
Rạng sáng 10-7, tàu cá BTh 97478 TS do ông Bùi Văn Toàn (SN 1972, làm chủ kiêm thuyền trưởng) bị chìm tại vùng biển Trường Sa - DK1. 15 ngư dân chia nhau lên 2 thúng chai nhảy khỏi con tàu đắm. 9 ngày sau, chiếc thúng thứ nhất được chủ tàu cá Bình Định cứu vớt, 4 người còn sống, 3 người tử vong. Sau đó 3 ngày, chiếc thúng thứ 2 được một tàu hàng Ai Cập phát hiện và cứu vớt. 3 ngư dân trên chiếc thúng này đã tử vong trước đó vì kiệt sức.
Bình luận (0)