Phương tiện giao thông công cộng nói chung và xe buýt nói riêng rất phổ biến và đa dạng với nhiều nước trên thế giới. Hệ thống giao thông công cộng luôn được đầu tư, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và giải quyết được tình trạng nan giải của đô thị: tắc đường cục bộ.
Tại TP HCM, các cấp chính quyền cũng đã nỗ lực đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt, nhưng sự hưởng ứng của người dân vẫn chưa thật tương xứng, vẫn chưa xem xe buýt là sự lựa chọn ưu tiên để đi lại.
Vì sao người dân ngại đi xe buýt?
Với một người trẻ, việc ra trường, có công việc ổn định, có xe riêng như là một dấu hiệu thể hiện sự thành công. Việc lựa chọn di chuyển bằng xe buýt như là cách gián tiếp thể hiện rằng người đó đang gặp khó khăn, chưa ổn định. Vì vậy, xe buýt được xem là phương án bất khả kháng.
Xe buýt hiện tồn tại một số vấn đề như cũ kỹ, mùi khó chịu, phủ đầy bụi, thường phanh gấp, vượt ẩu, bị móc túi, quấy rối, thái độ của một số tài xế và tiếp viên khi phục vụ khách còn thô lỗ, cộc cằn... Một rào cản vô cùng lớn, mang tính quyết định cao đó là xe buýt trễ chuyến, ra vào bến nhiều làm kéo dài thời gian di chuyển cần thiết. Hơn nữa, việc di chuyển từ trạm vào điểm cần đến có khi mất một khoảng cách xa.
Chúng ta đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ nhưng dường như cách vận hành, quản lý và sử dụng phương tiện giao thông công cộng đang bị hụt hơi nếu không muốn nói là lỗi thời.
Theo báo cáo về "Thị trường ứng dụng di động năm 2021" do Appota phát hành, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động với 64% thuê bao đã kết nối 3G, 4G. Đó là nền tảng quan trọng cho việc ứng dụng công nghệ số vào việc vận hành, quản lý. Chúng ta không thiếu giải pháp công nghệ để tăng tính tiện ích cho người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tiêu biểu là ứng dụng Busmap với tính năng cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết (lộ trình, thời gian, trạm, giá vé, cùng hơn 20 gợi ý cần thiết khác dù ở chế độ offline). Tuy nhiên, tính đến nay, dù đã được chuyển giao cho Sở Giao thông Vận tải TP HCM triển khai nhưng ứng dụng chỉ đạt hơn 1 triệu lượt tải với hơn 400.000 người dùng thường xuyên trong 1 tháng. Quá ít so với con số gần 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP HCM.
Cần tính toán khu vực trạm xe buýt hợp lý và sát với nhu cầu của người dùng hơn. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Hoàng Triều
Đồng bộ và quyết tâm từ nhiều phía
Để giải quyết những vấn đề trên, trước hết rất cần sự chung tay từ các phương tiện truyền thông trong việc truyền tải thông điệp, hình thành nên nhận thức mới cho các thế hệ tiếp theo. Khéo léo đưa những câu chuyện, hình ảnh, khẩu hiệu... để hình thành nên một chuẩn giá trị mới: "Thành công không đo bằng vật chất", từ đó tháo gỡ tâm lý ngại sử dụng xe buýt.
Đã có những tín hiệu tích cực và nỗ lực của các đơn vị trong việc xây dựng quy tắc ứng xử cho tài xế và tiếp viên, những hình ảnh thân thiện của một số tài xế, nhân viên... nhưng vẫn chưa đủ. Cần sự chung tay và quyết liệt hơn từ các đơn vị chủ quản trong việc chấn chỉnh, xây dựng đội ngũ và lấy lại hình ảnh. Mạnh dạn đầu tư mới hệ thống xe, chuẩn hóa quy tắc ứng xử cùng việc đào tạo bài bản, giám sát chặt chẽ để dần nâng cao chất lượng.
Với mức sống hiện nay, việc tăng giá vé phục vụ để có nguồn cho tái cơ cấu cơ sở vật chất cũng như nhân sự ở mức hợp lý vẫn sẽ nhận được sự ủng hộ của người dùng. Bên cạnh đó, hãy tạo cơ chế để người dùng được chung tay xây dựng văn hóa khi sử dụng xe buýt bằng việc giám sát, đánh giá chất lượng cho đội ngũ phục vụ và cơ sở thông qua đánh giá điểm trên app (điểm đánh giá ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách cho tài xế, tiếp viên như các ứng dụng vận chuyển hiện nay đã làm). Đội ngũ quản lý cũng phải sát sao trong việc xử lý và phản hồi khi có phản ánh... với tinh thần cầu thị, quyết liệt.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, khuyến khích sử dụng Busmap để tăng tính tiện lợi cho người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đặc biệt hướng vào nhóm đối tượng trẻ, sử dụng hiệu ứng lan truyền để tạo thành thói quen lâu dài.
Ngoài ra, cần tính toán khu vực trạm hợp lý và sát với nhu cầu của người dùng hơn. Khuyến khích đồng bộ cùng Busmap để đưa ra lộ trình phù hợp với lựa chọn tối ưu cho người dùng. Ví dụ, người dùng chỉ cần nhập điểm đi và điểm đến, Busmap phát triển thêm tùy chọn giờ đến mong muốn để đưa ra lời khuyên lên xuống trạm nào, đi xe nào, giờ giấc xuất phát theo thống kê tình trạng giao thông thực tế... cho người dùng.
Bên cạnh đó, nên khuyến khích thế hệ trẻ làm quen với giao thông xanh, đẩy mạnh mô hình cho thuê xe đạp, lập thêm các điểm cho thuê xe đạp tại các trạm xe buýt với những khu vực có mật độ di chuyển cao để hỗ trợ người dùng. Điều này đòi hỏi một nguồn lực lớn cho việc đầu tư xe tại các điểm nên có thể kêu gọi các công ty, xí nghiệp lập riêng bãi xe đạp cho công nhân viên của mình tại các trạm gần công ty; khuyến khích người dùng có xe đạp cá nhân có thể đem đến trạm để sử dụng hoặc đăng ký cho thuê trong thời gian không dùng để tạo thêm thu nhập. Như vậy, sẽ có nguồn xe để triển khai mô hình.
Bình luận (0)