Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng: "Việc xây dựng đô thị thông minh một cách bài bản, theo quy hoạch; quản lý phát triển đô thị thông minh theo lộ trình, kế hoạch mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau". Điều này cho thấy vai trò quy hoạch rất quan trọng, thiết lập tổng thể các mục tiêu hướng đến cho đô thị thông minh.
Nhiều dự án quy hoạch nằm trên giấy
TP HCM thời gian qua đã giao cho chính quyền các quận, huyện công bố công khai 108 dự án "treo" với diện tích hơn 473 ha được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015-2019. Điều chỉnh và xóa bỏ những dự án không khả thi là công việc nên làm để bớt đi rào cản phát triển, người dân có thể xây dựng, sửa chữa nhà, tách thửa hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, số lượng dự án được công bố này còn khá "khiêm tốn" so với con số trên 4.800 dự án quy hoạch dự kiến thực hiện trong 4 năm từ 2016-2020. Trong đó, số lượng dự án quy hoạch khả thi được triển khai khá ít, nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất đã hơn 3 năm nhưng vẫn còn nằm trên giấy. Nguyên nhân là do quy hoạch không phù hợp, không khả thi, thiếu vốn, chủ đầu tư thiếu năng lực… Phần lớn quy hoạch bị phá sản bởi ra đời trên sự giả định của kiến trúc sư, người quản lý, cấp thẩm quyền phê duyệt.
Khu dân cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP HCM quy hoạch “treo” nhiều năm liền Ảnh: LÊ PHONG
Kéo theo đó là các quy hoạch "xí" đất trong nhiều năm trở thành dự án treo khiến cuộc sống người dân đảo lộn, mệt mỏi, ngập nước, ô nhiễm, nhà ở không được mà bán không xong. Chưa kể, hàng loạt dự án phải lập điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện. Cứ mỗi lần lập rồi điều chỉnh hàng trăm, hàng ngàn quy hoạch gây tổn thất về mặt xã hội, lãng phí và tốn kém. Chi phí cho việc tư vấn khảo sát, tổng hợp, lập và điều chỉnh cũng đã tốn nhiều tỉ đồng ngân sách. Quy hoạch bị trục lợi thì thiệt hại càng khủng khiếp.
Rà soát lại và xử lý từ gốc
Nhiều thành phố lớn trên thế giới không để một kiến trúc sư hay tổ chức nào đó đơn độc trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch mà đều có tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học, thậm chí lấy ý kiến rộng rãi. Đặc biệt là nguồn vốn để thực hiện và có người chịu trách nhiệm tổ chức triển khai.
Dễ nhận biết những đồ án quy hoạch bài bản, phục vụ phát triển vì lợi ích chung. Việc phát hiện quy hoạch và những điều bất hợp lý trong đó không khó, nhất là đối với người làm quản lý chuyên ngành. Chỉ cần một trong số những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch có tầm và có tài thì những đồ án quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý khó có thể tùy tiện chấp thuận thông qua, phê duyệt.
Luật Quy hoạch của nước ta vẫn còn những kẽ hở là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lập quy hoạch sơ sài, thiếu khả thi, chủ đầu tư lợi dụng xin điều chỉnh nhằm tăng tối đa hóa lợi nhuận, kéo dài thời gian thực hiện để tránh bị thu hồi dự án khi đã có quyết định giao đất. Mặt khác, không ngoại trừ khả năng cán bộ công quyền được giao quản lý "tranh thủ" trục lợi hay "quân xanh, quân đỏ" bắt tay, gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội, ảnh hưởng đời sống số đông người dân.
Nên chăng trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch cần quy định chặt chẽ hơn, như buộc phải có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, ưu tiên tiện ích cho công cộng, sinh hoạt cộng đồng, lấy ý kiến người dân có liên quan. Khi lập hay điều chỉnh quy hoạch đều ưu tiên hạ tầng xã hội đi kèm giải pháp phát triển bền vững đời sống xã hội.
Đã đến lúc TP HCM nên rà soát, xem xét lại tất cả dự án quy hoạch, loại bỏ những quy hoạch đã giao đất nhưng không thực hiện, thu hồi các dự án thiếu khả thi và chưa triển khai. Ngoài ra, khâu cán bộ thuộc bộ máy tham mưu, quản lý cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Dự án quy hoạch cần quy định nêu cụ thể vị trí và diện tích đất được xây dựng từng hạng mục chức năng các loại dự án phù hợp với số lượng cư dân sinh sống, không gian công cộng và lộ giới các tuyến đường phục vụ nhu cầu giao thông, hệ thống thoát nước… Đặc biệt là nguồn vốn để tổ chức thực hiện, đơn vị và cá nhân chịu trách nhiệm triển khai. Trong dự án quy hoạch có nhiều công việc, hạng mục công trình. Không thể triển khai cùng một lúc, cần "nhạc trưởng" chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp chỉ đạo cách làm, cái nào làm trước, cái nào làm sau để tạo ra phản ứng dây chuyền theo hướng tích cực.
Khu đô thị đa mục tiêu
Nên chăng áp dụng hình mẫu của dự án đô thị Phú Mỹ Hưng trong quy hoạch các khu đô thị với chức năng đa mục tiêu, khả thi, hiệu quả bằng giải pháp tổng hợp các chức năng về kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, siêu thị, giao thông, nhà ở, không gian công cộng... Đặc biệt giải bài toán kinh tế cho dự án quy hoạch, nguồn vốn khả thi, chủ đầu tư có năng lực.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)