xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạt axít tàn bạo, sao không tử hình?

Phạm Dũng - Vy Thư

Những kẻ có tâm địa và hành vi độc ác khi dùng axít để trả thù, tấn công người khác thì không còn có thể cải tạo được. Nương tay với chúng là nuôi mầm họa cho người khác

Đó là ý kiến của số đông bạn đọc trước thông tin 2 nữ sinh viên bị tạt axít vào ngày 30-3 tại quận Gò Vấp, TP HCM.

Sống không bằng chết

“Trả thù bằng axít đã và đang là xu thế của tội phạm hiện nay. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân của loại tội phạm này. Vì vậy, những nhà làm luật cần xem xét, sửa đổi luật có mức hình phạt đủ mạnh, cần thiết thì loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội” - bạn đọc Vân Anh nêu.

Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Mạnh Cường đề nghị: “Nạn nhân trong các vụ này thường đau đớn tận cùng về thể xác, tâm lý bị sang chấn mạnh, sống không bằng chết. Nếu kẻ gây ra tội ác này chỉ nhận án 10 năm, 20 năm thì không thỏa đáng. Những kẻ có tâm địa và hành vi độc ác, mất nhân tính như thế không còn có thể cải tạo được. Nương tay với chúng là nuôi mầm hiểm họa cho người khác. Phải tử hình! Như vậy mới làm chùn tay những kẻ có suy nghĩ dùng axít để làm hại đời người khác”.

Bên cạnh ý kiến cho rằng pháp luật phải sửa đổi theo hướng xử lý nghiêm kẻ phạm tội, nhiều bạn đọc kiến nghị các cơ quan chức năng cần có những quy định để siết chặt việc quản lý các điểm mua bán chất axít. “Người kinh doanh loại hóa chất nguy hiểm này phải có giấy phép, khi bán cũng phải lưu lại thông tin khách hàng (số điện thoại, CMND...). Ngoài ra, điểm kinh doanh bắt buộc phải có camera lưu hình ảnh việc mua bán. Không thể để những hóa chất cực kỳ nguy hiểm này mua bán dễ dàng như hiện nay được” - bạn đọc Nguyễn Hồng Thanh hiến kế.

“Quản lý axít chặt chẽ từ gốc, thậm chí cả chuyện mua bán, được không? Được. Thay đổi tội danh có dính tới axít sang giết người và mức án dành cho kẻ chủ mưu lẫn kẻ ra tay từ chung thân đến tử hình được không? Được. Vậy sao chúng ta không mạnh dạn sửa đổi?” - bạn đọc Ngô Minh Phú hỏi.

 

Hiện trường 2 nữ sinh viên bị tạt axít ngày 30-3Ảnh: Phạm Dũng
Hiện trường 2 nữ sinh viên bị tạt axít ngày 30-3Ảnh: Phạm Dũng

 

Luật mới nghiêm khắc hơn

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), trước hết, cần khẳng định hành vi tạt axít không thể quy kết vào tội “Giết người” bởi những lý do sau: Giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Tức là về mặt chủ quan, ý chí của thủ phạm là mong muốn người bị tấn công chết. Với hành vi tạt axít, về ý chí, thủ phạm chỉ mong muốn gây thương tích, cố tật cho nạn nhân, không muốn tước đoạt tính mạng của họ. Tất nhiên, việc tạt axít có thể làm cho nạn nhân chết nhưng cũng như các hành vi cố ý gây thương tích với hình thức khác, hậu quả chết người vẫn có thể xảy ra nhưng ngoài ý muốn của kẻ thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế, khi áp dụng pháp luật, tòa án thường căn cứ vào mặt chủ quan của tội phạm để xác định hành vi tạt axít là chỉ cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, nếu hành vi tạt axít dẫn đến chết người, luật vẫn xử được bằng tội “Giết người” khi đủ cơ sở pháp lý.

“Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, đã quy định về hành vi dùng axít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng hành vi này chỉ là một trong những tình tiết để định khung hình phạt thuộc khoản 1, điều 134 BLHS 2015 về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Có thể hiểu ngắn gọn hễ có hành vi tạt axít là đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” mà không cần phải tạo thành thương tích nặng. Như vậy, BLHS mới đã rất nghiêm khắc khi hành vi được thực hiện gây thương tích mà sử dụng axít là đủ cấu thành tội phạm” - luật sư Công cho biết.

Về vấn đề quản lý axít, cũng theo luật sư Công, đã có Luật Hóa chất (ban hành năm 2007), Nghị định 108/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 28/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương. Như vậy, hiện nay, quy định về quản lý sử dụng axít đã đầy đủ. Tuy nhiên, những văn bản trên chưa được thực hiện đồng bộ trên thực tế.

“Thực tiễn nhìn nhận rất nhiều vụ án đối tượng sử dụng axít gây thương tích cho người khác đã phải chịu chế tài nghiêm khắc trước pháp luật nhưng những đối tượng cung cấp axít thì dường như vẫn ngoài vòng pháp luật. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp và phải truy đến cùng, xem xét trách nhiệm hình sự những đối tượng cung cấp axít trái quy định” - luật sư Công kiến nghị.

 

Mở rộng điều tra vụ án

Chiều 31-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Trà Văn Lào - Trưởng Công an quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết đang mở rộng điều tra vụ án tấn công bằng axít xảy ra trên địa bàn quận vào ngày 30-3.

Theo một nguồn tin, một nam thanh niên trong vụ tấn công bằng axít này đã bị tạm giữ hình sự và đang làm rõ nguyên nhân, động cơ tạt axít chị Hoàng Tăng Thị Thu Hương (SN 1996, quê Đắk Lắk, sinh viên Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Miền Nam) khiến chị bị thương khá nặng ở vùng mặt.

Cùng ngày, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận sức khỏe chị Hương đã ổn định, bệnh nhân ăn uống được và tích cực hợp tác với bác sĩ. Nạn nhân bị phỏng axít vùng mặt, tay diện tích 4%; mắt trái có nguy cơ bị mù do bị tổn thương giác mạc. Gia đình cho biết mắt phải của chị Hương đỡ hơn, có thể đọc được chữ.

P.Dũng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo