Ngày 17-11, đại tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết đang làm rõ việc 2 thanh niên đi xe máy chạy trốn Cảnh sát 113 đã đâm vào dải phân cách khiến 1 người tử vong xảy ra tại TP Biên Hòa vào tối 16-11.
Đang điều tra
Nạn nhân tử vong là anh Vũ Đức Tiến (18 tuổi; ngụ phường Tân Hòa, TP Biên Hòa). Theo người nhà nạn nhân, tối 16-11, anh Tiến ngồi sau xe máy do một người bạn chở. Không biết vì lý do gì Tiến và bạn bị 2 cảnh sát 113 đi mô tô đặc chủng đuổi theo và dùng chân đạp ngã. Anh Tiến té đập đầu vào dải phân cách bên đường.
Còn theo biên bản của Công an phường Tân Biên, ông Th., một trong những người dân chứng kiến vụ việc, kể: Khoảng 20 giờ 45 phút ngày 16-11, ông Th. đi qua khu vực xảy ra vụ tai nạn trên, thấy 2 cảnh sát 113 đi trên một mô tô đặc chủng màu trắng đang đuổi theo một xe máy chở 2 thanh niên, cảnh sát ngồi sau “dùng chân đạp” xe máy của 2 thanh niên ngã xuống đường, người ngồi sau văng ra, trúng vào dải phân cách. Sau khi xảy ra sự việc, 2 cảnh sát 113 đã rời khỏi hiện trường. Biên bản khám nghiệm hiện trường do CSGT lập tại đoạn đường xảy ra vụ việc ghi nhận có nhiều vết máu và xe máy ngã trên đường.
Công an TP Biên Hòa ngay sau đó đã có mặt, lập biên bản hiện trường, đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, hàng trăm người dân đã kéo ra vây chặt khu vực, một số kẻ quá khích còn đập phá mô tô đặc chủng của cảnh sát khiến giao thông trong khu vực ách tắc. Đại tá Trần Tiến Đạt, Trưởng Công an TP Biên Hòa, cũng đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo làm rõ vụ việc. “Cơ quan chức năng tiến hành điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - đại tá Đạt nói.
Chỉ truy đuổi khi có dấu hiệu tội phạm
Bàn về quyền truy đuổi người vi phạm, TS - luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP HCM) cho biết hiện nay, việc tuần tra, kiểm soát giao thông được thực hiện theo Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 4-1-2016 của Bộ Công an. Về nguyên tắc, CSGT là đơn vị chủ lực thực hiện việc tuần tra, kiểm soát xử lý đối với các hành vi vi phạm giao thông. Trong trường hợp cần thiết, CSGT được quyền huy động các lực lượng cảnh sát khác phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông. Việc huy động phải thực hiện theo Nghị định 27/2010/NĐ-CP và Thông tư 47/2011/TT-BCA.
“Pháp luật không quy định về việc cảnh sát trật tự được quyền truy đuổi người vi phạm giao thông và chưa quy định cụ thể về trường hợp CSGT được truy đuổi người vi phạm giao thông. Trong trường hợp rượt đuổi trái pháp luật mà gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng con người thì tùy từng trường hợp có thể bị xử lý theo các tội danh như: giết người, làm chết người trong khi thi hành công vụ... Với người vi phạm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ hay các lỗi nhẹ, CSGT không được phép truy đuổi. Nếu người có hành vi vi phạm cố tình bỏ chạy, người thi hành công vụ nên ghi lại biển số xe rồi thông báo cho các chốt kiểm tra liền kề hoặc các tổ tuần tra để kịp thời ngăn chặn” - LS Trạch nói.
LS Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho biết theo Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, Thông tư 65/2012/TT-BCA…, không có nội dung nào cho phép CSGT và các lực lượng công an nhân dân khác khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông được quyền truy đuổi người vi phạm giao thông.
Luật chỉ cho phép CSGT và các lực lượng khác dừng xe của người điều khiển giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ như không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ... Việc truy đuổi chỉ diễn ra khi một người có dấu hiệu là tội phạm hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng (như gây tai nạn giao thông chết người mà bỏ chạy…) thì tùy vào tình hình cụ thể, CSGT hoặc lực lượng chức năng khác quyết định có truy đuổi hay không và phải bảo đảm nguyên tắc an toàn.
Cũng theo LS Đức, có nhiều biện pháp có thể thực hiện để xử lý người vi phạm bỏ chạy như: ghi lại biển số phương tiện hoặc dùng điện thoại chụp hình, quay phim hành vi vi phạm để sau đó truy xét, xử lý.
Phải thượng tôn pháp luật
Trước sự việc xảy ra tại Đồng Nai, nhiều ý kiến không đồng tình với cách phản ứng của người dân bởi hành động cần thiết và trước tiên là phải tuân thủ pháp luật. “Vụ việc vẫn còn đang điều tra nhưng nếu sự thật 2 thanh niên bị cảnh sát thổi thì nghĩa vụ công dân là phải đứng lại. Bỏ chạy chứng tỏ rất ngoan cố và có dấu hiệu vi phạm khác nặng hơn vi phạm giao thông. Nếu thế, cảnh sát không đuổi bắt thì còn ai coi pháp luật ra gì? Tất nhiên, tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn và người gây tai nạn đương nhiên phải bị xử lý theo quy định của pháp luật” - bạn đọc Trần Thế Thuận nêu ý kiến.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dù hiểu rằng Cảnh sát 113 cũng chỉ vì nhiệm vụ nhưng cần xử lý linh hoạt. “Có rất nhiều cách bắt giữ mà không cần truy đuổi đến cùng, đặc biệt nếu ở những chỗ đông người thì rất nguy hiểm cho người vi phạm, người tham gia giao thông và bản thân cảnh sát. Cảnh sát nên thay đổi phương pháp, làm sao để không cần rượt đuổi người vi phạm mà vẫn phạt được họ, không gây mất an ninh trật tự và bức xúc cho người dân” - bạn đọc Phúc Huân kiến nghị.
V.Thư
Bình luận (0)