Những năm gần đây, tiệc cuối năm (hay tiệc tất niên) là hoạt động không thể thiếu ở nhiều đơn vị, công ty, doanh nghiệp, chung cư, xóm trọ... Tiệc tất niên ở mọi nơi: từ nhà hàng sang trọng đến quán bình dân, ở nơi làm việc đến nhà riêng. Ngoài các hoạt động tổng kết trong năm, khen thưởng, tiệc cuối năm tạo không gian giao lưu, tăng sự gắn kết nội bộ.
Lạm dụng
Trước hết, phải khẳng định tiệc tất niên có khởi nguồn rất đẹp. Sau một năm làm việc bận rộn, đây là dịp để gia đình, bạn bè hay cả đơn vị quây quần bên nhau, cùng tổng kết những điều đã làm trong năm qua, gặp lại những đồng nghiệp cũ, những người bà con thân thuộc để chúc nhau những điều tốt đẹp sang năm mới... Tiệc tất niên cũng là cơ hội để tạo sự gắn bó, đoàn kết; cơ quan, doanh nghiệp tranh thủ mời đối tác đến giao lưu, duy trì quan hệ làm ăn... Cũng vì vậy, việc phải từ chối, hủy bỏ những bữa tiệc này khiến nhiều người tiếc nuối.
Tuy nhiên, khi tiệc tùng bị lạm dụng quá mức sẽ gây lãng phí, đem đến sự mệt mỏi cho khách mời và cả gia chủ.
Uống với nhau vài chén để vui, đừng uống để say và mệt Ảnh: TẤN THẠNH
Có những buổi tiệc tất niên phải "nhập gia tùy tục" thì mới theo kịp lối sống, lối làm việc và phông văn hóa của đơn vị. Điều này khiến một số người không quen giao tiếp ngại ngần khi tham dự tiệc, một số khác còn cảm thấy lạc lõng vì không bắt kịp "trend" ăn diện lộng lẫy, thuê trang điểm, làm tóc... Có những bữa tiệc tổ chức linh đình, ăn uống đến tận khuya. Chi phí tổ chức nhân lên với hàng trăm, ngàn người tham dự, thiệt hại không nhỏ cho gia đình và xã hội.
Tiệc tất niên ở chung cư, xóm trọ, khu dân cư thường không thiếu dàn âm thanh "khủng" hoặc loa thùng di động để "hát với nhau"… gây ồn ào, mệt mỏi cho người già, con trẻ.
Sợ nhất là bị... ép
Cuối năm hay đầu xuân, được mời đến dùng bữa thì vui vẻ, cao hứng khi gặp bạn bè, họ hàng, người thân nên uống vài ly bia, chén rượu. Nhưng khi cảm thấy đủ, không muốn uống thêm nữa, sợ nhất là nhận những câu đại loại như: "Không uống ly này là coi thường nhau nhé", "Nể nhau thì uống hết chén này đi"...
Ép nhau từng ly bia, chén rượu vì cho rằng có uống mới là kính nhau hoặc để thể hiện đẳng cấp, tửu lượng. Tình thân, tình bạn hay gì nữa cũng không thể hơn thua bởi chén rượu.
Nghĩ cũng lạ, người khác đã cảm thấy không uống được nữa, hà cớ gì phải ép bằng được và thấy thế mới đủ niềm vui? Uống với nhau vài chén để vui chứ đâu phải uống với nhau để say và mệt. Những người không biết uống thì còn khổ nữa, bị ép, vì nể nang nên đành cố uống, có khi uống xong về nhà nằm mấy ngày mới hồi sức.
Ngẫm lại thì tất cả đều vì câu nói "Tết nhất mà!". Gia chủ có rượu bia quý giá để dành, cất kỹ, đợi Tết đem ra đãi khách đến thăm, sao nỡ từ chối, làm hụt mất chút duyên mà gia chủ chuẩn bị cho năm mới.
Ở các nước phương Tây, một bữa tiệc thường sử dụng nhiều loại nước uống khác nhau để đáp ứng nhu cầu của thực khách. Điều này phản ánh văn hóa ẩm thực dân chủ và tôn trọng nhau. Bởi lẽ cơ thể, tửu lượng, gu mỗi người khác nhau nên không thể chỉ lấy rượu hay bia để bắt mọi người cùng uống và phải uống như nhau được.
Trong khi đó, ở Việt Nam, cái sự uống thật đáng sợ. Uống rượu mạnh từ đầu đến cuối, "dô" lần này đến lần khác và cứ phải cạn ly. Bia thì uống két này đến két khác, uống hay khui ra rồi bỏ, uống đến khi té ngã mới chịu.
Thế nên khi thế giới dịch chuyển nhanh hơn, đời sống có những thay đổi, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận kiểu "Tết nhất mà!" theo hướng tôn trọng nhau hơn, hiểu cho nhau hơn để niềm vui ngày Tết được trọn vẹn nhất.
Bình luận (0)