xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tết Việt trên đất Thái

MẠNH DUY

Từ thủ đô Bangkok cho đến những vùng Đông Bắc Thái Lan, đâu đâu cũng có người Việt hòa mình sinh sống và làm việc. Những ngày này, nhắc đến Tết và quê nhà Việt Nam, họ đều bồi hồi nhớ mong

Trong lần đến tỉnh Nakhon Ratchasima, miền Trung Thái Lan, cách đây 5 năm, người phụ nữ đầu tiên  chúng tôi gặp là bà Đại. Bà đã mời chúng tôi đến dự bữa tiệc năm mới của cộng đồng người Việt ở Korat, tỉnh Nakhon Ratchasima.

Duy trì bữa tiệc Tết cổ truyền

Bà Đại là một người làm giò chả Việt Nam nổi tiếng ở Korat. Tới mức thương hiệu “giò bà Đại” từng bị những ông chủ người Hoa kinh doanh trong ngành ẩm thực ở Korat coi là đối thủ “không đội trời chung”. “Tôi học được bí quyết làm giò từ cha mẹ, những người quê gốc Quảng Bình đã di cư qua Lào rồi sang Thái từ những năm đầu thế kỷ XX” - bà Đại cho biết.

Bà Đại là con út trong một gia đình có 6 anh chị em đều sinh ra và lớn lên tại vùng Đông Bắc Thái Lan. Cha mẹ đặt tên cho anh em bà như để nhắc con cháu luôn hướng về quê cha đất tổ: Việt - Nam - Sơn - Hải - Quảng - Đại, dù sống ở Thái, họ đều có những cái tên theo nước sở tại.

Cuối năm 2012 vừa qua, có dịp trở lại Thái Lan, chúng tôi tìm gặp bà Đại. Thời gian gần đây, bà Đại đã sang Bangkok ở với 2 cô con gái, giao toàn bộ công việc kinh doanh giò chả Việt cho chồng ở Korat. Gặp chúng tôi, bà lại rủ về Korat để đón Tết Việt cùng những đồng bào xa xứ của mình.

img
Tác giả (giữa) dự một bữa tiệc ðầu nãm với những nguời Việt ở Korat - Thái Lan. Ảnh: NGỌC PHẠM

Bữa tiệc năm mới tổ chức đúng dịp Tết cổ truyền là hoạt động hằng năm được cộng đồng người Việt ở Korat duy trì lâu nay. Mỗi năm, một gia đình sẽ “đăng cai tổ chức” bữa tiệc này. Mỗi gia đình được mời tham dự sẽ mang tới một món ăn Việt. Phụ nữ phải mặc áo dài, trẻ con được lì xì hệt như ở Việt Nam. “Hằng ngày, chúng tôi có thể vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái nhưng trong bữa tiệc năm mới này, tất cả phải dùng tiếng Việt” - bà Đại nói.

Chúng tôi bồi hồi cảm động khi chứng kiến bữa tiệc không chỉ có giò chả, nem… mà còn có cả bánh chưng. “Đây là món không thể thiếu trong ngày Tết Việt của bà con sinh sống trên đất Thái” - bà Đại cho biết.

Giao thừa luôn cúng tổ tiên

Trong cộng đồng người Việt “cũ” định cư ở Thái Lan và đã được coi như người địa phương thực thụ với quốc tịch Thái và có vị trí xã hội ở đất nước này, bà Trần Thị Trâm là một người có uy tín và tiếng tăm. Bà từng trải qua tuổi thơ ở Nakhon Phanom, nơi Bác Hồ từng hoạt động trong những năm 1940.

Ông bà của bà Trâm là những người Hà Tĩnh gốc Nam Định. Họ di cư sang Thái Lan từ đầu thế kỷ XX, sau đó cha mẹ bà cũng được sinh ra ở Nakhon Phanom. Bà Trâm năm nay đã 74 tuổi nhưng đã là thế hệ người Việt thứ 3 ở Thái Lan. “Nhà tôi ở Nakhon Phanom chỉ cách nơi Bác Hồ từng sống và hoạt động vài cây số. Đến giờ, dù thế hệ người Việt từng được gặp Bác khi Người ở đây đã không còn ai nhưng cứ nhắc đến Người là dân Nakhon Phanom luôn tự hào” - bà tâm sự.

Nhắc về giai đoạn đất nước chưa thống nhất, bà Trâm nhớ nhiều đến nạn đói năm 1945, lúc ấy bà còn là một đứa trẻ. “Người Việt chết đói quá nhiều, họ buộc phải rời bỏ quê hương để tìm một con đường sống. Có những người sang đến Thái Lan, không chết vì đói mà chết vì bội thực sau nhiều ngày kham khổ. Gần đây, hầu như năm nào tôi cũng về Hà Nội hoặc TPHCM, thấy đất nước mình giờ giàu đẹp hơn nhiều rồi” - bà Trâm vui mừng.

Gia đình bà Trâm sau này di cư dần xuống phía Nam và hiện đã ở Bangkok. Bà Trâm có 5 con và hiện 2 người đang đầu tư làm ăn ở Việt Nam, lấy vợ quê nhà. Khác với những cộng đồng người Việt tại Đông Bắc Thái Lan, người Việt “cũ” ở Bangkok không ít nhưng họ không tụ họp nhau trong ngày Tết Nguyên đán. Dù vậy, hầu hết vẫn giữ thói quen làm mâm cơm cúng tổ tiên vào mùng 1 Tết.

Bà Trâm rất giỏi nấu các món Việt vì luôn tranh thủ học món mới để làm trong mâm cơm cúng tổ tiên đêm giao thừa. “Đó là truyền thống từ thời ông bà rồi đến cha mẹ tôi. Chúng tôi vẫn giữ phong tục gia đình theo nếp cũ” - bà tự hào.

Không quên mình là người Việt

Thế hệ thứ 5, thứ 6 của người Việt ở Thái Lan gần như không còn nói tiếng Việt. Đó là trăn trở lớn của những người lúc nào cũng đau đáu với quê hương như bà Trâm, bà Đại.

Bà Đại từng khuyên con gái sang Việt Nam học tiếng Việt để hiểu quê hương nhiều hơn. Trong khi đó, mỗi lần về Việt Nam, bà Trâm lại mang theo rất nhiều đĩa nhạc dân ca, các bài hát quê hương, đất nước. “Với chúng tôi, dù không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, dù mối liên hệ với quê nhà chỉ là sợi dây tình cảm vô hình nhưng tôi không bao giờ quên mình là người Việt” - bà Trâm tâm sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo