Điển hình chiều tối 26-4, trên đường Thích Quảng Đức đi qua 3 phường 3, 4 và 5 (quận Phú Nhuận), dù là giờ cao điểm, bảo vệ dân phố phải làm hàng rào người để phân luồng giao thông nhưng một số người đi xe máy thiếu ý thức vẫn cố tình lấn tuyến, lấn làn, gây ùn tắc giao thông. Cách đó ít mét là đường ray tàu lửa chạy ngang qua, từng làm nhiều người ngã vì cố tình giành đường nhưng một người cha chở theo con nhỏ ngồi phía trước vẫn không "nao núng".
"Căn bệnh" tranh thủ thời gian vài phút để chạy cho nhanh (dù đôi khi nhanh cũng chẳng để làm gì hoặc chỉ để kịp có mặt… bù khú với bạn bè), bất chấp trong giờ cao điểm đã tạo nên hình ảnh phản cảm, xấu xí về văn hóa giao thông; đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Trên đường Thích Quảng Đức chiều tối 26-4
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm hơn 30%; thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm khoảng cách an toàn chiếm hơn 29%; lấn trái đường gần 24%... Thế nhưng, hiện lực lượng chức năng vẫn chưa xử nghiêm những vi phạm này, thậm chí dễ dàng bỏ qua khiến người vi phạm giao thông nhờn luật.
Để hình thành thói quen tôn trọng luật pháp, xây dựng văn hóa giao thông, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng thì trước mắt lực lượng cảnh sát giao thông phải tăng cường kiểm tra, xử phạt, kiên quyết không "du di", bỏ qua dù những lỗi vi phạm lâu nay được xem là nhẹ như lấn làn, leo lề, không tôn trọng vạch dành cho người đi bộ… Về lâu dài, cơ quan quản lý cần xem lại các quy định hiện hành, cần thiết thì tăng nặng hình thức xử phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm an toàn giao thông. Quy định cũng như thực thi pháp luật nghiêm thì văn hóa giao thông mới có thể tiến bộ được.
Bình luận (0)