Cụ thể, có 36 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó 17 căn nhà đã bị rạn nứt, nghiêng. Đến nay, 8 hộ đã di dời đến chỗ ở khác, những hộ còn lại do điều kiện kinh tế khó khăn nên đành ở tạm.
Bà Đặng Thị Nga (ngụ đường Nguyễn Văn Trỗi) cho biết năm 2017, UBND huyện Di Linh đã ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ tiền và nơi ở cho hơn 30 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sụt lún đất. Thế nhưng, đến nay, các hộ dân vẫn chưa nhận được gì trong khi tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng.
Tình trạng sụt lún đất bất thường khiến người dân lo lắng
"Năm 2011, nhà tôi bị sập hoàn toàn, gia đình không có điều kiện nên dựng tạm lại để ở. Nay nhà tiếp tục có dấu hiệu tường bị nứt, nền bung ra, có chỗ đội lên cao, có nơi lún xuống. Đi nơi khác thì không có tiền, ở lại thì thấp thỏm lo lắng cho sự an toàn của cả gia đình" - bà Nga bày tỏ.
Theo ông Trần Đức Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện và Hội đồng Tiếp dân huyện Di Linh thường xuyên nhận được đơn của các hộ dân đề nghị chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ để sớm di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Kiểm tra thực tế cho thấy sụt lún gây ra hư hỏng hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước; nhà bị nứt và nghiêng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào - thống kê thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Mới đây, UBND huyện Di Linh đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở Tài chính bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ di chuyển nhà ở, tài sản gắn liền với đất đối với các hộ bị ảnh hưởng trong khu vực sụt lún.
"Quan điểm của huyện là tập trung xử lý quyết liệt và dứt điểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và ổn định cuộc sống của các hộ dân nơi đây" - ông Công khẳng định.
Bình luận (0)