Đường sắt Bắc - Nam chạy song song Quốc lộ 1 (đoạn qua địa phận Đà Nẵng dài hơn 20 km) chia tách một bên là khu dân cư (KDC), một bên là quốc lộ. Mật độ dân cư sống 2 bên đường rất đông đúc, nhu cầu đi lại cao nhưng hàng chục con đường dân sinh cắt ngang đường sắt không có lắp đặt rào chắn và đèn tín hiệu.
Chủ quan, ý thức kém
Con đường dân sinh nối KDC với quốc lộ ở phía Nam cầu Nam Ô (tổ 86, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là con đường chính đi lại của cư dân nơi đây. Mỗi ngày, băng qua đường sắt, người dân luôn thấp thỏm lo âu, coi ngó tàu lửa. “Tôi sống đối diện con đường này, từng chứng kiến biết bao vụ tai nạn chết người, phần lớn do chủ quan, ý thức kém khi băng qua đường sắt mà không quan sát hoặc nghĩ tàu còn ở xa nên cứ băng qua…” - anh Nguyễn Thế Tiến (ngụ phường Hòa Hiệp Bắc) kể.
Theo nhiều người dân địa phương, những lần họp tổ dân phố, họ đều đề nghị TP Đà Nẵng nhanh chóng làm thanh chắn tự động hoặc làm một chốt trực ở đây nhằm bảo đảm an toàn cho người dân nhưng nhiều năm qua vẫn không thấy chính quyền hồi âm. Riêng tổ 86 này có tới 2 con đường dân sinh tự phát cắt ngang đường sắt. Ở quận Liên Chiểu và quận Cẩm Lệ có hàng chục con đường tự phát cắt ngang đường sắt cũng trong tình trạng thiếu an toàn nhưng người dân đành phải sử dụng vì nhu cầu đi lại rất lớn.
Tương tự, tuyến đường sắt đi qua tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài gần 100 km, trong đó có 41 điểm giao nhau với đường ngang dân sinh. Tuy nhiên, chỉ có 16 đường ngang có người gác, 10 đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động, 15 đường ngang chỉ được gắn biển báo trên đường. Chưa tính có hàng chục điểm đường ngang do người dân tự phát lập nên. Riêng địa bàn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có 13 tuyến đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt và rất nhiều điểm đường ngang tự phát do người dân lập nên, không có rào chắn, biển báo sơ sài, nhiều điểm tầm nhìn bị che khuất.
“Nhiều người qua đây vì không biết có tàu đến nên vẫn chạy xe qua, khi đến giữa đường xe gặp sự cố nên bị tàu tông. Ở đây đã có 3 người chết vì bị tàu lửa tông như vậy” - bà Nguyễn Thị Thái (ngụ xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn) kể.
Kinh phí eo hẹp
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng, cho biết địa bàn TP Đà Nẵng có tổng cộng 65 đường dân sinh cắt ngang đường sắt, trong đó 30 đường ngang dân sinh hình thành không hợp pháp, những con đường này do người dân tự mở nên không có gác chắn và đèn tín hiệu. Tuy nhiên, dân cư ngày càng đông, nhu cầu đi lại tăng cao nên không thể đóng hết những con đường này. Thay vào đó, từ năm 2012 đến nay, TP đã cho lắp thanh chắn ở 13 đường ngang, đồng thời bố trí lực lượng cảnh giới địa phương lập chòi gác. Ở những điểm đông dân, lực lượng túc trực 24/24 giờ nhưng ở những nơi ít người đi lại, chỉ canh giữ đến 21 giờ. “Mỗi năm, TP phải chi hơn 1 tỉ đồng để trả trợ cấp cho lực lượng cảnh giới này. Đây là một con số lớn trong khi kinh phí của Ban An toàn giao thông còn eo hẹp nên việc tăng cường lập chốt, bố trí cảnh giới ở các đường ngang tự phát chỉ cầm chừng” - ông Cường nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghĩa Bình (quản lý đường sắt qua Quảng Ngãi), đơn vị thường xuyên kiểm tra các tuyến đường sắt giao với đường dân sinh, bảo đảm không phát sinh điểm đường dân sinh cắt ngang đường sắt mới. Hiện nhiều điểm đã được rào chắn lại nhưng ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân, cho ngành đường sắt của người dân còn rất hạn chế. Xóa chỗ này, mọc chỗ kia.
Tuyến đường sắt đi qua tỉnh Quảng Ngãi có nhiều nơi dù ngành đường sắt đã xây bờ tường ngăn cách giữa đường sắt và đường dân sinh nhưng vẫn bị người dân đập bỏ để tạo lối đi.
Bình luận (0)