Vụ việc người đàn ông đánh đập cô gái trên đường phố tối 8-3 nhưng không ai dám can thiệp dù nạn nhân kêu cứu, ngược lại có người còn quay clip đưa lên mạng đã gây nhiều bức xúc. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng trong trường hợp đó, nếu vào can ngăn không chừng không cứu được người mà bản thân lại mang họa; cũng có lập luận quay clip là một dạng tố cáo gián tiếp, giúp cơ quan công an truy tìm thủ phạm...
Thờ ơ, vô cảm
Câu chuyện trên gợi nhớ đến vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 11- 2015 trên cầu vượt Tây Sơn - Thái Hà. Có rất đông người hiếu kỳ nhưng chỉ vài người giúp đỡ nạn nhân, những người xung quanh thản nhiên bàn tán, quay clip.
Những câu chuyện trên làm gợi lên suy nghĩ dường như càng ngày người ta càng dửng dưng trước những việc xấu đang diễn ra trước mắt, miễn là chúng không phương hại đến bản thân. Bệnh "vô cảm" của một số người bắt nguồn từ tính ích kỷ và nhận thức hạn hẹp, lệch lạc. Đặc biệt, khi mạng xã hội ra đời và trở nên phổ biến, nhiều người chỉ muốn đăng tin nóng để cư dân mạng chia sẻ, bàn tán, thay vì giúp đỡ người bị nạn, họ lại quay clip, chụp ảnh rồi đăng lên Facebook, YouTube để câu like.
Tuy nhiên, thực tế cũng có nhiều lý do khiến người ta ngại ngần không dám hỗ trợ nạn nhân khi chuyện xấu hay tai nạn xảy ra. Đó là việc bị hiểu lầm, đổ oan; bị người nhà nạn nhân chửi bới, đánh đập; bị phiền phức khi cảnh sát hỏi thăm; bị dàn dựng để lừa đảo và nhiều khi còn bị "tai bay vạ gió" ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình. Vì vậy, nhiều người buộc phải bảo đảm an toàn của bản thân trước khi nghĩ đến chuyện giúp người khác.
Một nguyên nhân nữa là đa phần mọi người không biết cách xử lý hợp lý trước những tình huống này. Vì thiếu kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, nhiều người cảm thấy lo lắng, e ngại, sợ không cứu giúp được mà có khi lại đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy kịch nên không dám hỗ trợ.
Thấy người gặp nạn chỉ đứng nhìn, ngoảnh mặt làm ngơ, có trường hợp còn hôi của là hiện tượng đang xảy ra trong xã hội. Trong ảnh: Lật xe, một số người dân hôi của. Ảnh: HỒNG NGỌC
Tương thân tương ái
Theo tôi, trong những tình huống này, quay clip lại để có bằng chứng xử lý là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trước tiên nên gọi điện báo cho lực lượng dân phòng, công an rồi mới quay clip.
Về mặt pháp lý, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rất cụ thể về việc cứu giúp người gặp tai nạn. Điều 38 luật này quy định đối với người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Đối với người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm: bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 11 Nghị định 46/2016/NÐ-CP. Về trách nhiệm hình sự, điều 132 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, trong những tình huống khác thì hình phạt tù có thể lên đến 7 năm. Tuy nhiên, việc chứng minh điều kiện của người cứu giúp là rất khó khăn, trên thực tế trước nay hầu như chưa có vụ án nào được đưa ra xét xử về tội này.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cứu người hoạn nạn luôn là nghĩa cử cao đẹp được hoan nghênh. Có điều kiện hoặc không có điều kiện cứu giúp, chúng ta cũng cần có hành động giúp đỡ người bị nạn một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách gọi điện thông báo cho cơ quan cứu hộ, cơ quan công an. Điều này vừa thể hiện tinh thần tương thân tương ái mà còn là hành động thể hiện sự tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục và tập huấn cho người dân về các kỹ năng xử lý tình huống trên đường; công bố rộng rãi số điện thoại của công an khu vực để người dân biết.
Bình luận (0)