Tuy nhiên, cách thức ngầm hóa đã thực hiện thời gian qua là phần lớn cáp điện và viễn thông được các đơn vị chủ sở hữu luồn vào ống pi tương ứng rồi chôn trực tiếp trong nền đất, chưa có sự phối hợp đồng bộ nên vẫn còn tình trạng đào đường và vỉa hè nhiều lần. Ngoài các tuyến phố cũ, nhiều tuyến đường và vỉa hè mới làm xong cũng bị đào lên lắp đặt công trình ngầm. Mỗi đơn vị khi có nhu cầu thì xin phép thi công, lắm khi tái lập sơ sài, không bảo đảm chất lượng dẫn tới nhanh xuống cấp, biến dạng cục bộ mặt đường và vỉa hè.
Theo phân cấp hiện nay, lòng đường do Trung tâm Quản lý Hạ tầng Đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) quản lý, vỉa hè do quận - huyện quản lý, Sở Công Thương quản lý điện, Sở Thông tin và Truyền thông quản lý viễn thông. Có vài chục đơn vị sở hữu công trình điện, viễn thông. Thế nhưng, các bên liên quan lại phối hợp chưa tốt từ khâu lập kế hoạch, thiết kế đến cấp phép, thi công. Chẳng hạn khi mở rộng, nâng cấp đường hay mỗi khi có nhu cầu cải tạo sửa chữa vỉa hè, cần lắp đặt đồng bộ ngầm hóa các công trình kỹ thuật nhưng các đơn vị chủ sở hữu chưa có nhu cầu nên không phối hợp. Hay như trong cải tạo duy tu sửa chữa, cào bóc và thảm nhựa mặt đường, vỉa hè vẫn giữ nguyên trong khi các đơn vị ngầm hóa công trình kỹ thuật phải đào cả đường lẫn vỉa hè để kết nối và phân phối hệ thống ngầm đến nhà dân…
Ngầm hóa đồng bộ cáp điện và viễn thông sao cho khoa học, bài bản, lâu dài để hướng tới một đô thị hiện đại là công việc trước sau gì cũng phải làm, càng sớm càng lợi.
TP HCM có dân số ngày càng đông, nhu cầu dịch vụ cung cấp điện và viễn thông sẽ càng tăng, hẳn nhiều nhà đầu tư đã nhìn ra và nhắm đến. Vai trò quản lý nhà nước nên có biện pháp phối hợp hiệu quả hơn trong khâu đầu tư phát triển hạ tầng để cung cấp dịch vụ. Nên có đơn vị quản lý tổng thể làm đầu mối thu thập dữ liệu phát triển nhu cầu cung cấp điện và viễn thông để tổ chức thực hiện theo kế hoạch, hạn chế đào đường và vỉa hè.
Rà soát toàn bộ và cập nhật đầy đủ để lập thành bản đồ hiện trạng không gian ngầm là cần thiết. Điều này không chỉ thuận lợi trong triển khai các công trình kỹ thuật, dự án giao thông mà còn giúp cơ quan chức năng quản lý và lần gỡ những vấn đề hóc búa về cơ sở hạ tầng cũng như hạn chế tình trạng mỗi ngành có những quy hoạch riêng, chồng chéo.
Cần đồ án quy hoạch tổng thể với lộ trình thực hiện ngầm công trình kỹ thuật theo hướng đồng bộ, lâu dài. Quy định làm hào kỹ thuật để ngầm hóa cáp điện và viễn thông với hành lang pháp lý về mức phí thuê bao, chính sách hỗ trợ để tổ chức xã hội hóa đầu tư.
Bình luận (0)