Báo Người Lao Động ngày 20-12 có bài "Phải xem lại "nồi canh" giáo dục", trong đó nêu ý kiến của ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (SP) TP HCM và ông Lê Phan Quốc, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH SP TP HCM. Cụ thể, thực tế đang tồn tại ở các trường SP đó là số lượng học phần, tín chỉ các môn tâm lý chiếm tỉ lệ quá ít ỏi. Suốt 17 năm nay, môn tâm lý giáo dục không còn nằm trong danh sách các môn thi tốt nghiệp của sinh viên (SV) sư phạm nữa. Điều này khiến chất lượng đầu ra của SV SP hiện nay còn hạn chế.
Vì sao cần trường sư phạm?
Tôi thật sự ngạc nhiên về điều này. Điểm khác biệt của Trường SP là suốt các năm học ở trường, từ năm nhất đến năm cuối, SV SP đều phải học môn tâm lý học lứa tuổi, tâm lý học SP, giáo dục học… Với mỗi lứa tuổi, mỗi môn học lại đòi hỏi biện pháp giảng dạy, đào tạo khác nhau nên phải áp dụng những kỹ năng giảng dạy và đào tạo phù hợp với từng đối tượng học sinh (HS). Nhờ thế mà dù kiến thức chuyên ngành có thể không sâu bằng những trường khác nhưng khi ra trường, SV SP có kỹ năng giảng dạy, hiểu tâm lý HS và biết cách truyền đạt kiến thức để HS hiểu. Cũng bởi thế mà không phải cứ tốt nghiệp bất cứ trường đại học nào, ra học vài ba tháng lấy chứng chỉ nghiệp vụ SP là có thể đứng lớp tốt. Và cũng vì thế mà mới cần có trường SP.
Giữa thầy cô giáo và học sinh phải có sự gần gũi, thân thiết như những người bạn nhưng vẫn cần có những lằn ranh không được phép vượt qua. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Tôi còn nhớ hơn 20 năm trước, những giờ tâm lý học và giáo dục học, các thầy cô đã chỉ dạy cho chúng tôi rất cặn kẽ, thậm chí để ý cả những tiểu tiết để chúng tôi có thể làm tốt công việc giảng dạy. Bài học vỡ lòng chính là phải hiểu đúng từ SP. Sư có nghĩa là thầy, phạm là mô phạm, khuôn phép mẫu mực. Phẩm đức khiêm cung, hành sự thận trọng, làm khuôn phép mẫu mực cho đời. SP có nghĩa là khuôn phép của bậc thầy để học trò và người đời noi theo. Hiểu như vậy để luôn nhắc nhở bản thân phải để ý đến từng lời ăn, tiếng nói, cách đi đứng, nói cười, cử chỉ…
Thầy cô còn dạy chúng tôi từ việc làm thế nào để biết lắng nghe, hiểu và chia sẻ được với HS, nhận ra HS đang có vấn đề trong học tập, gia đình, các mối quan hệ; phải lấy chính HS làm chuẩn mực cho sự dạy của mình; đến việc phải làm thế nào để trút bỏ mọi bực tức, giận dỗi, bức xúc của cá nhân trước khi bước vào lớp với HS; rồi cách đi đứng, diễn đạt, viết bảng… Chúng tôi có hẳn những giờ thực tập trước lớp, các bạn và thầy cô sẽ nhận xét, chỉnh sửa. Rồi năm thứ 3, chúng tôi đi kiến tập (dự giờ) để làm quen trường lớp, HS; năm thứ 4 đi thực tập (dạy học như một giáo viên thực thụ).
Nói dông dài để thấy rằng để trở thành một giáo viên, có thể truyền đạt kiến thức, cảm hứng học tập, trui rèn nhân cách, đạo đức cho HS thì ngay từ khi bước vào trường SP, SV phải được đào tạo nghiêm túc, bài bản, lớp lang chứ không đơn giản chỉ là kiến thức chuyên môn.
Hoàn cảnh thay đổi, phương pháp phải thay đổi
Tôi không may mắn làm nghề mình đã được đào tạo nên có thể thiếu thực tế để hiểu hết những khó khăn của nghề giáo hiện nay. Thế nhưng, theo quy luật, nếu hoàn cảnh thay đổi thì các trường SP cũng phải có phương pháp giáo dục thay đổi để thích ứng và điều đó hoàn toàn không có nghĩa là bỏ qua, xem nhẹ những bộ môn đặc trưng của ngành SP.
Lấy ví dụ, giảng dạy hôm nay không phải là sự đọc chép, thầy cô nói 1 thì HS biết 1, thầy cô nói A thì HS không được phép cãi là B. Người thầy hiện nay phải thường xuyên học hỏi, cập nhật kiến thức và cần có kỹ năng vượt qua áp lực khi kiến thức HS có được không chỉ gói gọn trong sách giáo khoa. Cách giảng dạy vì thế cũng phải thay đổi bằng phương pháp trao đổi, gợi mở, kích thích sự sáng tạo và tự học của HS.
Hay như việc thầy cô giáo hôm nay ngoài việc phải gần gũi, hiểu, chia sẻ thì phải biết làm bạn với HS. Nếu không có những hiểu biết nhất định về tâm lý, phương pháp giáo dục sẽ dễ dẫn đến hiểu sai về điều này. Làm bạn không có nghĩa là ngang hàng với HS, bá vai bá cổ, đùa giỡn quá trớn, cùng ngồi cụng ly uống bia… Giữa thầy cô giáo và HS, cũng như giữa cha mẹ và con cái, dù gần gũi, thân thiết như những người bạn, vẫn cần có những lằn ranh - quy định cứng - không được phép vi phạm, vượt qua. Đó là sự tôn kính! Nếu giữ được điều này sẽ không có những chuyện đau lòng khiến nhiều người hoang mang không biết đang có chuyện gì xảy ra với ngành giáo dục.
Chỉ khi ngành giáo dục nghiêm túc nhìn ra những lỗ hổng và quyết liệt thay đổi. Chỉ khi thầy phải ra thầy, lớp ra lớp thì mới có thể yêu cầu trò đúng là trò.
Bình luận (0)