Lý do mà các lãnh đạo BV nói trên muốn được triển khai thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh là vì địa bàn của các quận này có mật độ giao thông dày đặc, nhiều hẻm nhỏ xe cứu thương khó vào được. Ngoài ra, mỗi BV chỉ có 2 xe cứu thương không đủ đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân trên địa bàn, điển hình quận Thủ Đức có đến 30 cuộc gọi mỗi ngày. Sở Y tế đã đề nghị các BV nói trên khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai thử nghiệm mô hình cấp cứu này vào đầu năm 2019.
Trước đó, Sở Y tế TP HCM đã tổ chức sơ kết giai đoạn 1 việc thử nghiệm mô hình xe cấp cứu cơ động 2 bánh tại trạm cấp cứu vệ tinh 115 của BV Đa khoa Sài Gòn. Theo đó, trong tổng số 67 cuộc gọi cấp cứu 115 của người dân trên địa bàn quận 1 được tổng đài chuyển đến, có 26 lần trạm cấp cứu của BV điều xe cấp cứu 2 bánh đi cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, trong 20 ngày thí điểm mô hình cấp cứu này, tổng số lượt cấp cứu ngoại viện là 76 ca. Trong đó, 9 ca bác sĩ cấp cứu tại chỗ, bệnh nhân không cần phải nhập viện và 17 ca BV điều động cùng lúc cả xe 2 bánh và 4 bánh (bác sĩ đi xe cấp cứu 2 bánh đến trước để kịp sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương đến để chuyển bệnh nhân về BV điều trị).
Bác sĩ Vui cho biết thêm chỉ mất thời gian trung bình 3-5 phút, bác sĩ đã tiếp cận người bệnh. Ngoài ra, không có sự cố nào xảy ra khi ê-kíp cấp cứu vận hành xe cấp cứu 2 bánh. Số lượt đi cấp cứu ngoại viện đã tăng 30% so với giai đoạn trước đây khi chỉ dùng xe cứu thương đi cấp cứu.
Dự kiến thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ kéo dài trong 3 tháng, sau đó sẽ sơ kết đánh giá hiệu quả và Sở Y tế sẽ trình UBND TP và Bộ Y tế để được chính thức triển khai.
Bình luận (0)