Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư, được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 chính thức khởi động từ năm 2008 với phạm vi thực hiện gồm 10 phường ở khu vực phía Nam sông Hương.
Đường chằng chịt ổ voi, ổ gà
Hiện toàn bờ Nam sông Hương của TP Huế là đại công trường để xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải, 7 trạm bơm, 160 km đường cống thu nước, 30 km đường cống bao… Nhiều tuyến đường được triển khai để thực hiện dự án, các đơn vị thi công tiến hành đào đường nhưng chưa hoàn trả mặt bằng tạo thành những cái “bẫy” nguy hiểm trên đường.
Tại các đường Hàm Nghi, Xuân Diệu, Đặng Huy Trứ, Trần Phú…, ổ voi, ổ gà chi chít sau khi được đào lên lắp cống thoát nước. Những chỗ lõm quá sâu và rộng được trải tấm sắt tạm bợ lên trên để các phương tiện đi qua.
Chị Nguyễn Thị Thủy, người dân buôn bán trên đường Đặng Huy Trứ, bức xúc: “Cống thoát nước đã làm xong hơn 1 tháng nay nhưng mặt đường chưa thấy họ hoàn trả. Trời mưa, mặt đường gồ ghề, ban đêm rất dễ xảy ra tai nạn. Đã có 3 vụ tai nạn ngay đoạn đường này, trong đó có 2 trường hợp phải vào bệnh viện. Tết đến nơi rồi mà đường sá thế này làm sao buôn bán?”.
Các hẻm nhỏ trên đường Hàm Nghi đã lắp xong ống cống thoát nước nhưng còn một vài đoạn chưa được thi công. Hẻm 62 Xuân Diệu, một bên đường cũ bằng phẳng, bên còn lại được đào lên để lắp ống cống đã xong 2 tháng nhưng chưa hoàn trả lại mặt đường. Người dân phản ánh từ khi lắp ống cống xuống xong không thấy đơn vị thi công lui tới.
Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát
Tại kỳ họp thứ 3, khóa VII HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa qua, nhiều đại biểu đã chất vấn ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế, về tiến độ chậm trễ của dự án cũng như việc thi công ảnh hưởng đến người dân. Ông Thành cho biết dự án đã triển khai được 150 km cống chung, 30 km cống bao để thu gom nước mưa, xử lý nước thải và 7 trạm bơm để bơm chuyền về nhà máy. Hiện tại, đã có 2/6 gói thầu xây lắp hoàn thành; các dự án khác đang trong quá trình triển khai thi công với hơn 80 điểm. Ông Thành cam kết sẽ làm việc với ban quản lý dự án, các nhà thầu để xem xét nguồn nhân lực, việc tổ chức thi công, giám sát nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ; đồng thời tăng cường kiểm tra để buộc các nhà thầu phải hoàn trả ngay mặt đường sau khi làm xong, tránh gây phiền hà trong sinh hoạt, kinh doanh của người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Phó Ban Quản lý Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế, cho biết hiện nay, việc hoàn trả mặt bằng ở các hẻm cơ bản hoàn thành. Với những tuyến ngoài đường, để hoàn trả được đường bê tông đổ nhựa cần điều kiện độ ẩm đầy đủ, thời tiết không mưa và móng phải khô.
Theo ông Tuấn Anh, một số điểm đã có giải pháp đắp tạm đường cho người dân đi lại, chờ khi trời tiết thuận lợi sẽ tiến hành làm đường nhựa trả lại mặt bằng cho người dân. Tuy nhiên, vì lưu lượng xe qua lại nhiều cộng với đường hẹp và nước mưa xuống nên làm hỏng phần đắp tạm trên đường.
“Trong 3 tháng qua, mưa kéo dài nên không thể tiến hành hoàn trả mặt bằng. Chúng tôi đã chấn chỉnh lại việc thi công đối với các nhà thầu, làm đến đâu xong đến đó, tránh tình trạng đào đường để lắp cống dàn trải. Đồng thời, đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để nhanh chóng trả lại mặt bằng cho người dân đi lại” - ông Tuấn Anh khẳng định.
JICA tài trợ khoảng 4.200 tỉ đồng
Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhận Bản - JICA tài trợ, kinh phí hơn 24 tỉ yen (khoảng 4.200 tỉ đồng). Dự án nhằm cải tạo nguồn nước trên địa bàn TP khỏi nguy cơ bị đe dọa ô nhiễm, tránh ngập úng cục bộ, tăng chất lượng nước của sông Hương.
Giai đoạn 1 sẽ được thực hiện từ năm 2008 - 2018. Giai đoạn 2 lập dự án nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết phát triển hoàn chỉnh hệ thống thoát nước toàn TP Huế.
Bình luận (0)