Chiều 20-3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã nghe quận 1 báo cáo đề án Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian trên một số tuyến đường và phố đi bộ Bùi Viện.
Phải tính toán thật kỹ
Báo cáo về đề án Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian trên một số tuyến đường, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết mục tiêu của đề án là tổ chức, sắp xếp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vào khu vực thí điểm để quản lý, hỗ trợ; đồng thời, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường và xây dựng hình ảnh văn minh thương nghiệp. Theo quận 1, trong giai đoạn thí điểm, quận sẽ bố trí cho 100 hộ dân khó khăn có hộ khẩu thường trú tại quận 1.
Ba địa điểm mà quận 1 dự định bố trí cho người dân buôn bán là đường Nguyễn Văn Chiêm, Công viên Bách Tùng Diệp và đường Chu Mạnh Trinh. Tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm có chiều dài 40 m, vỉa hè rộng 5 m, bố trí cho 20 hộ kinh doanh từ 6 - 9 giờ và từ 11 - 13 giờ. Công viên Bách Tùng Diệp sẽ dành khoảng 300 m2 để tổ chức cho 15 hộ kinh doanh với diện tích mỗi quầy 4 m2, thời gian kinh doanh từ 6 - 9 giờ.
Đường Chu Mạnh Trinh với chiều dài 140 m; chiều rộng vỉa hè 6 m, trong đó mảng cỏ xanh 3,4 m, phần lát gạch 2,6 m sẽ bố trí cho 35 hộ kinh doanh. Quận không thu phí đối với các hộ kinh doanh trên vỉa hè tại 3 địa điểm trên; đồng thời, tổ chức tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng buôn bán, trang bị đồng phục, phân loại rác tại nguồn cho các hộ kinh doanh.
Sau khi nghe báo cáo, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu quận 1 chỉ tổ chức thí điểm cho người dân kinh doanh ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp. Riêng đường Chu Mạnh Trinh, phần còn lại của vỉa hè quá nhỏ để tổ chức buôn bán, ông Tuyến gợi ý: “Nên tổ chức theo hướng bán mang về chứ không ngồi ăn tại chỗ vì khu vực này chủ yếu khách hàng là nhân viên văn phòng. Vả lại, làm như vậy sẽ bố trí được nhiều hộ dân kinh doanh ở tuyến đường này hơn”. Bên cạnh đó, ông Tuyến lưu ý quận 1 khi lựa chọn đối tượng kinh doanh cần bám vào tiêu chí ngon, sạch, có thương hiệu ở vỉa hè…
Dù ủng hộ đề án nhưng ông Tuyến tỏ ra lo lắng việc quy hoạch, tổ chức bán hàng rong trên vỉa hè đã khó nhưng khó hơn là câu chuyện “hậu” bố trí bởi có những người sẽ chưa được giải quyết. Ông Tuyến yêu cầu quận 1 cũng như các quận, huyện trên địa bàn TP phải tiến hành điều tra, nghiên cứu kỹ tất cả các đối tượng bán hàng rong trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi chủ trương lập lại trật tự lòng lề đường của TP để hỗ trợ, tính toán nhiều hình thức giải quyết phù hợp, căn cơ.
“Bà con rất đồng thuận chủ trương của TP nhưng họ cũng rất bế tắc. Do đó, người được bố trí hoặc chưa được bố trí thì chúng ta cũng phải làm hết sức để bà con không phải nặng lòng. Bà con khó khăn thì phải có trợ cấp trong thời gian chưa chuyển đổi ngành nghề, chưa được bố trí; bảo đảm bà con không đói, trẻ em không phải nghỉ học. Giải quyết trật tự lòng lề đường nhưng cũng phải giải quyết cuộc sống khó khăn của người dân” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Bến Bạch Đằng sắp “sống lại”
Quận 1 cũng đã báo cáo đề án thí điểm chợ phiên cuối tuần tại Công viên Bạch Đằng với mong muốn cùng với phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là điểm nhấn về du lịch của TP. Theo đó, chợ phiên cuối tuần được chia làm 4 khu chính với tổng diện tích 3.200 m2, gồm: khu văn hóa nghệ thuật; khu quảng bá, kinh doanh; khu ẩm thực và khu vui chơi giải trí. Có WiFi, nhà vệ sinh miễn phí cho du khách. Dự kiến hoạt động vào quý II năm nay với khoảng 120 gian hàng, hoạt động từ 10 - 22 giờ.
Đồng ý với đề án trên, Phó Chủ tịch UBND TP cho phép quận 1 triển khai thí điểm đề án này đến hết năm 2017. Theo ông Tuyến, vào thời điểm chiều tối, hoạt động tại nơi này chưa khởi sắc, thậm chí có một khoảng thời gian bị mất trật tự, xảy ra trộm cắp nên rất cần có hoạt động về đêm để phục vụ khách du lịch, làm cho công viên “sống lại” và hoạt động xuyên suốt.
Ông Tuyến cũng lưu ý đề án này còn có nhiều vấn đề cần hoàn thiện, đặc biệt là về giao thông. Các bên liên quan cần tính toán, cân nhắc kỹ để không gây xáo trộn sinh hoạt thường kỳ của người dân khi đi bộ, tập thể dục, ngắm cảnh ở Công viên Bạch Đằng cũng như không gây tiếng ồn ảnh hưởng tới những khách sạn xung quanh.
Đối với đề án phố đi bộ Bùi Viện, quận 1 đề xuất trước mắt tổ chức đi bộ vào ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, cấm các phương tiện lưu thông vào đường Bùi Viện từ 19 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau. Các hộ có mặt tiền trên đường Bùi Viện sẽ được cho phép kinh doanh, mua bán trên vỉa hè. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các hoạt động ca múa nhạc phù hợp; lắp camera an ninh toàn bộ các tuyến phố và có lực lượng chuyên nghiệp tuần tra.
Phó Chủ tịch UBND TP thống nhất phương án chọn tổ chức đi bộ vào ngày cuối tuần, đồng thời yêu cầu phải đưa phố đi bộ Bùi Viện vào hoạt động trước ngày 30-4. Tuy nhiên, ông Tuyến lưu ý không được để phát sinh bất cứ quầy sạp mới ngoài những cái hiện có. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải sớm có phương án cắm biển tổ chức lại giao thông khu vực này, thông tin rộng rãi, công khai cho người dân được biết.
Bố trí hộ kinh doanh vào chợ truyền thống
Sáng 20-3, UBND quận 10, TP HCM đã có buổi sơ kết kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra khi “đòi lại vỉa hè”. Theo đó, UBND quận 10 đã tháo dỡ 70 bậc tam cấp, vận động 96 hộ tự tháo dỡ bậc tam cấp; 32 hộ tự tháo bảng quảng cáo sai quy định, lập biên bản xử phạt hành chính 31 trường hợp, thu giữ hàng chục bảng hiệu, dù che… sai quy định, che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng giao thông.
UBND quận 10 nhấn mạnh sẽ kiên quyết trong việc “đòi lại vỉa hè” nhưng trên cơ sở vận động là chính để nâng cao ý thức cho người dân. Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và ra quân; sau đó, bàn giao cho các phường tiếp tục thực hiện và quy trách nhiệm cá nhân, cụ thể là chủ tịch, trưởng công an và bí thư Đảng ủy phường chịu trách nhiệm nếu để tái diễn tình trạng lấn chiếm, mất mỹ quan.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân làm ăn buôn bán, quận 10 đã rà soát mặt bằng, bố trí hộ dân vào kinh doanh tại các chợ truyền thống. “Phòng Kinh tế đã phối hợp với ban quản lý các chợ rà soát các mặt bằng bỏ trống tại các chợ. Qua rà soát, còn 86 sạp trống tại các chợ Nguyễn Tri Phương, Nhật Tảo, Thành Thái, Hòa Hưng” - bà Bùi Thị Nga, Trưởng Phòng Kinh tế quận 10, cho biết.
Bà Nga cũng thông tin Phòng Kinh tế đã kiến nghị UBND quận 10 cho tổ chức chợ phiên cuối tuần mua bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch… tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng, từ 6 giờ đến 11 giờ 30 thứ bảy hằng tuần; đồng thời, tổ chức bán thức ăn đường phố tại đường nội bộ công viên. Ngoài ra, kiến nghị tổ chức điểm kinh doanh tập trung tại mặt bằng bãi xe và ki-ốt do UBND phường 6 quản lý; phân ô cho các hộ có hộ khẩu thường trú tại địa phương được bán hàng theo giờ ở những tuyến đường có vỉa hè rộng 6 m trở lên.
P.Dũng- P.Anh
Cần tính toán kỹ
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG), cho rằng việc cho thuê lại vỉa hè hiện nay pháp luật không cấm. “Để giải quyết các vấn đề này, cơ quan chức năng cần có biện pháp duy trì trật tự vỉa hè phục vụ người đi bộ. Ngoài ra, có thể quy hoạch, quản lý tập trung từng khu vực hàng rong, chợ đêm, kinh doanh sách, văn hóa, sạp báo... nhưng các hộ kinh doanh phải cam kết không lấn phần vạch dành cho người đi bộ trên vỉa hè” - ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng các đơn vị chức năng cần nghiên cứu, xem xét có thể miễn phí kinh doanh sử dụng vỉa hè đối với người thu nhập thấp nhưng thu phí vỉa hè với người kinh doanh buôn bán.
Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng đang trong đợt cao điểm lập lại kỷ cương, giành lại vỉa hè thì chưa nên đặt vấn đề cho thuê vỉa hè. Trước mắt, phải “đòi” được vỉa hè rồi mới tính đến việc cho thuê hay không. Nếu cho thuê, cần có lộ trình dài hạn, xem xét các trường hợp vỉa hè trống, rộng để bố trí cho hộ kinh doanh thuê nhưng tính toán kỹ và lấy ý kiến của người dân.
Ng.Hưởng
Bình luận (0)