Chiều 30-5, mưa không quá lớn nhưng tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP HCM) ngập khoảng 20 cm.
"Không ngập mới lạ"
Ngồi trên miệng cống thoát nước để móc rác, anh Lương Minh An (ngụ đường Huỳnh Tấn Phát) chia sẻ: "Mỗi lần mưa, rác ngoài đường theo dòng nước mưa bị cuốn xuống đây trong khi nhiều người thiếu ý thức vứt từng bọc rác lớn chắn ngang miệng cống, nước không thoát được, không ngập mới lạ. Hôm nay ngập như vậy chừng một giờ nữa sẽ hết, chưa nhằm gì đâu; bữa nào mưa to, đường ngập lút cả yên xe".
Đúng như lời anh An, mưa đã tạnh khoảng 30 phút, nhiều đoạn trên đường Huỳnh Tấn Phát vẫn lênh láng nước, các miệng cống vướng đủ thứ rác, cành cây, bao tải, bùn đất khiến nước thoát rất khó khăn.
Tương tự, các tuyến đường như Trần Xuân Soạn, 3 Tháng 2, Trần Nhân Tông (quận 10); Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, D2 (quận Bình Thạnh)…, nhiều miệng cống thoát nước trở thành nơi để rác thải sinh hoạt, túi ni-lông lẫn đồ đạc bị hư hỏng.
Trên đường Điện Biên Phủ, chúng tôi thấy miệng cống thoát nước trước một quán phở chất hàng chục bao rác cao gần nửa mét, bít hoàn toàn lối thoát nước. Một công nhân vệ sinh cho biết mỗi khu vực có khung giờ thu gom rác riêng, có người đưa rác ra sớm nên để ở gốc cây, miệng cống thoát nước. Dần dần, hình thành thói quen, nhiều người cứ nghĩ miệng cống là nơi chứa rác.
Đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn trước Bến xe Miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh), thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn. Qua ghi nhận, nhiều miệng cống thoát nước ở đây bị bịt kín bởi rác, hộp xốp, tấm bạt, ván và cả bê-tông, nhất là ở những hộ kinh doanh hàng ăn uống. "Trời nắng, mùi hôi bốc lên rất khó chịu, khách bỏ đi hết thì biết bán cho ai. Vì vậy, phải che chắn tạm, khi nào mưa thì nhấc lên" - một chủ quán phân trần.
Một miệng cống thoát nước trên đường Điện Biên Phủ bị lấp đầy rác Ảnh: Quốc Chiến
Sử dụng van thông minh
Ông Bùi Văn Trường, Trưởng Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, cho biết tình trạng người dân vứt rác hoặc để vật cản như gạch, gỗ, bao ni-lông ở miệng cống thoát nước nhằm tránh mùi hôi diễn ra khá phổ biến. Vào đầu mỗi mùa mưa, công nhân của công ty thường xuyên kiểm tra những vị trí bị bít lại.
"Nhiều khi công nhân đến lấy những vật cản đi, người dân không cho hoặc sau đó dùng vật khác che lại, nói trời mưa sẽ tháo dỡ nhưng rồi họ lại quên. Mưa lớn, rác trôi theo dòng nước xuống cống, lại thêm miệng cống bị bít nên gây ngập là đương nhiên" - ông Trường nói.
Theo ông Trường, nhược điểm của miệng cống thoát nước trước đây là không xử lý triệt để mùi hôi, không bảo đảm khả năng thu nước và thiếu thẩm mỹ. Ở các điểm thường xuyên ngập, công ty cử công nhân vớt rác trước, trong và sau khi mưa nhưng cũng chỉ một phần của 1.400 km cống và 80.000 hầm ga mà đơn vị này quản lý. Nếu các vùng không thường xuyên ngập, người dân lấp bít miệng cống bằng vải bạt mà không tháo dỡ khi mưa thì có thể sẽ tạo ra điểm ngập mới bởi miệng cống đã mất khả năng thu nước.
Vừa qua, UBND TP thành lập tổ công tác do Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với hơn 10 đơn vị khác khảo sát, nghiên cứu cửa thu nước cũng như đánh giá hiệu quả một số mẫu cửa thu nước mới. Sau khi lựa chọn được mẫu mới và được UBND TP đồng ý, sẽ thí điểm ở 15 tuyến đường bị ngập và rác nhiều, dân cư tập trung đông. Mỗi bộ miệng thu nước sẽ gồm van thông minh, lưới chắn rác kết hợp bó vỉa có giá khoảng 8,3 triệu đồng do Công ty Thoát nước đô thị thiết kế.
Ưu thế của thiết kế mới này là hạn chế được mùi hôi do sử dụng van thông minh tự đóng mở. "Việc lắp đặt những miệng thu nước mới với khả năng ngăn mùi kết hợp với tuyên truyền, vận động người dân thì sẽ giải quyết được tình trạng lấp miệng hố ga, miệng thu nước" - ông Trường nhận định.
Kênh, rạch cũng khó tiêu thoát
Không chỉ cống, rãnh, nhiều kênh, rạch trên địa bàn TP cũng bị xả rác bừa bãi, lấn chiếm… khiến việc tiêu thoát nước ngày càng hạn chế. Điển hình, các rạch nhánh đổ về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn hẻm 158 Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), rác thải, nước thải sinh hoạt, xà bần lẫn các vật dụng hư hỏng đều được tống thẳng xuống đây. Thỉnh thoảng, chính quyền địa phương cho người vớt rác, khơi thông, nạo vét lòng kênh nhưng chỉ một thời gian ngắn, đâu lại vào đó. "Người dân ở đây đều nghèo, làm gì có tiền trả phí thu gom rác nên cứ vứt xuống kênh, chờ nước cuốn đi" - một người dân địa phương nói.
Bình luận (0)