Đầu tháng 4-2014, chị N.T.M (ngụ quận 4, TP HCM) bỗng dưng nhận được cuộc điện thoại giọng nữ tự xưng là “nhân viên tổng đài” thông báo số tiền cước điện thoại cố định nhà chị nợ gần 8 triệu đồng. Nghe tin trên, chị M. mất bình tĩnh cho rằng có vấn đề nhầm lẫn. Còn “nhân viên tổng đài” khẳng định tiền cước tính rất chính xác, nếu chị không tin thì có thể kiểm tra lại từ phía công an.
Hù dọa để nạn nhân chuyển tiền
Sau khi nghe tin, chị M. giải trình rằng lâu nay nhà chị chỉ đóng cước điện thoại cố định trên dưới 200.000 đồng/tháng. Nay bỗng dưng nợ cước điện thoại gần 8 triệu đồng là điều không thể. Người phụ nữ trên cho chị một số điện thoại để gặp công an viên đang điều tra vụ việc.
Khi chị M. gọi đến số điện thoại vừa được cho thì gặp tổng đài tự động yêu cầu chị bấm số 0 để được hướng dẫn. Bên kia giọng một người đàn ông yêu cầu chị phải chuyển tiền vào tài khoản của “công an” để điều tra. Cơ quan này sẽ hoàn lại nếu chị không dính vào đường dây... rửa tiền. Nghe quá vô lý, chị M. không chịu chuyển tiền và đòi sẽ đi kiện cho ra ngô ra khoai. Thế là đầu dây bên kia lên giọng dọa dẫm rồi buông máy. Chị M. gọi đến công ty điện thoại để kiểm tra thì được trả lời tiền cước điện thoại tháng 3-2014 của chị chỉ hơn 200.000 đồng.
Bà H. (ngụ quận 6, TP HCM) cũng bị bọn lừa đảo gọi đến cho biết bà nợ cước điện thoại đến gần 9 triệu đồng và đang nằm trong diện phải điều tra vì có liên quan đến một nhóm tội phạm quốc tế. Nghe đến đây, bà H. hốt hoảng thanh minh. Chỉ chờ có thế, bọn lừa đảo yêu cầu bà H. chờ để người này chuyển máy cho bà trực tiếp nói chuyện với một “cán bộ công an” ở tận Hà Nội. Liên lạc qua số này, bà H. được “cán bộ công an” cho biết bà có một số tiền không nhỏ đang gửi ở ngân hàng có liên quan đến đường dây rửa tiền đang bị theo dõi và có khả năng sẽ bị tù và tịch thu hết tiền bạc. Để chứng minh mình không nằm trong nhóm rửa tiền thì bà phải chuyển hết số tiền đang gửi ngân hàng vào tài khoản của “công an” để điều tra, nếu thực sự vô tội thì sẽ được trả lại. Tin lời, bà H. chuyển hết số tiền có trong tài khoản của mình cho “công an” rồi “nín thở” chờ đợi. Chờ mãi vẫn không thấy được hoàn tiền lại, bà H. nghi ngờ mình bị lừa nên báo công an. Ngay lập tức, lực lượng công an đã phong tỏa tài khoản của bọn lừa đảo để điều tra. Thế nhưng, bọn chúng đã kịp rút 25 triệu đồng.
Không cung cấp thông tin cho người lạ
Bọn lừa đảo thường ăn cắp thông tin cá nhân qua các tổ chức, doanh nghiệp có yêu cầu khách hàng điền tên tuổi, số điện thoại để được hưởng khuyến mãi hay các hình thức quay số trúng thưởng. Từ đây, chúng nhắm đến các con mồi là phụ nữ đứng tuổi, hay giao dịch bằng điện thoại bàn. Chúng gọi điện thoại và thông báo số tiền điện thoại cao một cách bất thường. Lợi dụng tình huống khách hàng đang hoang mang, bọn chúng bày ra một kịch bản có sẵn, dọa dẫm rồi giả danh công an yêu cầu chuyển tiền. Những người mất bình tĩnh dễ rơi vào bẫy.
Về việc này, VNPT TP HCM xác nhận thời gian qua có nhiều kẻ giả danh nhà mạng để lừa người sử dụng điện thoại. Hiện đơn vị này đã phát hiện các cuộc gọi lừa đảo liên quan đến nợ cước điện thoại đều xuất phát từ nước ngoài, kết nối VoiP (gọi điện qua giao thức internet). Khi khách hàng nhận được các cuộc gọi có liên quan đến giá cước mà thấy vô lý thì gọi ngay đến tổng đài chăm sóc khách hàng của VNPT (số (08) 800126) để kiểm tra. Tiếp nhận thông tin này, VNPT sẽ có ngay những biện pháp cần thiết để kịp thời ngăn chặn.
Đường dây lừa đảo từ nước ngoài
Ngày 14-4, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM đã bắt khẩn cấp Lin Chin Sheng (41 tuổi, người Đài Loan) vì hành vi lừa đảo. Lin Chin Sheng nhập cảnh Việt Nam, dụ dỗ nhiều người lập tài khoản mở, thẻ ATM ghi nợ quốc tế với giấy tờ giả cung cấp cho đồng bọn của chúng ở Đài Loan dùng để gọi điện thoại hù dọa, lừa đảo nhiều người sử dụng điện thoại bàn như những trường hợp đã nói ở trên.
Bình luận (0)