Người điều khiển phương tiện lưu thông trên xa lộ Hà Nội hướng từ Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên về trung tâm TP HCM, khi đến gần ngã tư Thủ Đức muốn rẽ vào đường Kha Vạn Cân hoặc đường Lê Văn Chí (quận Thủ Đức) thường phải qua một khúc cua được xem là “thót tim, thắt ruột”.
Che khuất tầm nhìn, chạy nhanh là “dính”
Sáng 6-12, chúng tôi có mặt tại đây, chứng kiến xe 2 bánh, xe tải, xe khách, xe buýt, xe container chen chúc lưu thông. Đoạn đường Lê Văn Chí qua khu vực này chiều rộng chỉ đủ cho một xe lớn lưu thông, mỗi khi xe buýt hay xe tải đến điểm giao nhau phải chiếm hơn nửa phần đường mới ôm cua được. “Các xe va chạm nhau như cơm bữa. Hôm trước, có một cô sinh viên đi bộ qua khu vực này suýt bị xe buýt cán phải” - một người chạy xe ôm cho biết.
Khúc cua nằm dưới chân cầu Sài Gòn cũng khiến nhiều người lo lắng. Người đi từ quận 2 qua quận 1 theo đường Nguyễn Hữu Cảnh và ngược lại đều phải qua khúc cua này. Đây là khúc cua có nhiều xe container, xe tải lưu thông. Dù đã có đầy đủ các biển báo nhưng tầm nhìn chưa được thông thoáng, nhiều người chạy nhanh thường bị ngã hoặc va chạm khi phương tiện khác bất ngờ xuất hiện.
Hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có nhiều khúc cua quanh co nhất bởi dọc bờ kênh, xe chạy nhanh hoặc thiếu quan sát rất dễ xảy ra tai nạn. Đáng ghi nhận là trên tuyến đường này có một số vị trí được lắp đặt gương cầu lồi hỗ trợ tầm nhìn cho người điều khiển các phương tiện đi qua. Theo chị Nguyễn Bích Phương (ngụ quận 3, TPHCM), việc này hết sức cần thiết, hạn chế được tai nạn. Chị Phương đề nghị ngành giao thông vận tải TP HCM xem xét lắp đặt thêm gương cầu lồi ở những khúc cua gắt, những đoạn đường người điều khiển xe bị che khuất tầm nhìn, không chỉ trên 2 tuyến đường dọc kênh mà còn những tuyến đường khác trên địa bàn TP.
Ám ảnh các hung thần chạy ẩu
Nhiều người chưa quên vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên xa lộ Hà Nội đoạn lên cầu vượt Trạm 2 (quận Thủ Đức, TP HCM) hôm 4-11 khiến 2 người chết. Tai nạn xảy ra khi một chiếc xe container chuyển làn đường để ôm cua lên cầu vượt Trạm 2 thì va chạm với xe máy do 2 phụ nữ đang chở nhau khiến cả 2 tử vong. Theo quan sát của phóng viên, khu vực xảy ra vụ tai nạn có mật độ xe container, xe tải nặng… lưu thông dày đặc. Đây cũng là đoạn có dải phân cách hở để ô tô ôm cua lên cầu vượt Trạm 2 nên thường xuyên có hiện tượng các hướng lưu thông xung đột nhau. Trong đó, nguy hiểm nhất là người đi xe máy bị các xe container, xe tải cắt mặt.
Chiều 6-12, tại khu vực trên vẫn là hình ảnh các đoàn xe có trọng tải lớn nối đuôi nhau lưu thông theo hướng từ quận Thủ Đức về quận 2. Chúng tôi không khỏi thót tim khi nhiều lần chứng kiến một số người điều khiển xe máy lưu thông với tốc độ nhanh đã phải thắng gấp khi các xe container chuyển làn để ôm cua.
“Nếu không quan sát từ xa, người đi xe máy rất dễ lao đầu vào xe container hoặc bị tông khi chạy quá đà nên không phản ứng kịp để xử lý tình huống” - anh Triệu Văn Tùng (ngụ quận Thủ Đức), người thường xuyên chạy xe máy qua khu vực này, nói.
Khúc cua ở chân cầu vượt Sóng Thần (giáp ranh giữa TP HCM và tỉnh Bình Dương) từ lâu cũng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người bởi nguy cơ xảy ra tai nạn. Các loại ô tô khi lưu thông trên đoạn đường dẫn từ khu phố Bình Đường 3 (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) ôm cua lên cầu vượt Sóng Thần (hướng về quận Thủ Đức, TP HCM) cũng đều cắt ngang làn xe 2 bánh. Người dân sống tại khu vực trên cho biết đoạn ôm cua lên cầu vượt, mặt đường bị bong tróc nham nhở nhưng nhiều tài xế xe container, xe tải… vẫn lưu thông với tốc độ nhanh nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người.
Đập các tường chắn, lắp thêm gương và biển báo
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, những khu vực thường xảy ra tai nạn giao thông là do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ, chưa bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và không đồng bộ. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng nên lắp đặt thêm biển báo, chỉ dẫn để người dân biết. Những khúc cua hẹp và ngắn nên lắp đặt gương cầu lồi giúp người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông quan sát tốt các góc khuất để tránh va chạm đáng tiếc.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết khu vực khúc cua dưới cầu Sài Gòn đang được cải tạo nhằm tạo sự thông thoáng. Cụ thể, đập bỏ một số bức tường, chỉnh trang lại để mở rộng tầm quan sát, dự kiến trong tháng 12 này sẽ hoàn tất.
Về hiện trạng ở khúc cua khu vực gần ngã tư Thủ Đức, ông Đường cho biết sẽ ghi nhận lại thông tin để kiểm tra, nếu thấy bất cập thì xử lý ngay. Riêng khu vực khúc cua cạnh cầu vượt Trạm 2, ông Đường nói đây là đường tạm vì đang bị ảnh hưởng thi công tuyến metro số 1. Sau khi thi công xong (khoảng 3 tháng nữa) sẽ trở lại phân luồng giao thông như trước.
Bình luận (0)